Tiêu dùng

MSB chốt quyền mua cổ phiếu quỹ của cổ đông, sau vụ gán nợ lên đến 3.940 tỷ đồng, liệu nhà băng thuộc sở hữu của đại gia “Tuấn chợ” sẽ phát hành thành công?

Theo Thông báo mới nhất của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX), ngày đăng ký cuối cùng cho cổ đông thực hiện Quyền mua cổ phiếu quỹ Ngân hàng MSB là ngày 29/01/2021 và giá chào bán cho cổ đông là 11.500 đồng/cổ phiếu. MSB hy vọng đợt phát hành này sẽ thu về một khoản tiền lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau vụ gán nợ lên đến 3.940 tỷ đồng liệu đợt phát hành này sẽ thành công?

Cũng theo HSX, sở này sẽ không điều chỉnh giá tham chiếu cổ phiếu MSB trong ngày giao dịch không hưởng quyền và giữ nguyên biên độ dao động giá +/- 7% so với giá tham chiếu.

Theo đó, số lượng cổ phiếu dự kiến chào báo đợt này là 82.522.811 cổ phần với tỷ lệ thực hiện là 10.100:775,7 (01 cổ phiếu được hưởng 1 quyền, 10.100 quyền được mua 775,7 cổ phiếu mới). Quyền mua cổ phiếu quỹ có thể được chuyển nhượng 1 lần trong thời gian từ ngày 05/02/2021 đến 19/02/2021.

Dự kiến đợt phát hành cổ phiếu này MSB kỳ vọng sẽ thu về gần 949 tỷ đồng để phát triển các dự án trong tương lai.

Thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ 05/02/2021 đến ngày 26/02/2021. Giá bán trong đợt phát hành này là 11.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá đóng cửa ngày 26/1/2021 là 18.200 VNĐ/CP tương đương 36,8%.

Dự kiến đợt phát hành cổ phiếu này, MSB sẽ thu về gần 949 tỷ đồng. Nguồn vốn thu được từ việc chào bán sẽ phục vụ việc đầu tư cho các dự án chiến lược trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đợt phát hành này khả năng thành công còn cần thời gian trả lời. Trước đó, ngân hàng này đã buộc phải dời ngày chốt danh sách cổ đông từ ngày 15/01 sang ngày 29/01 với lý do: việc chào bán cổ phiếu quỹ của ngân hàng này là trường hợp đầu tiên tại HoSE nên sở cần xin ý kiến ủy ban chứng khoán.

Trên thực tế, theo giới phân tích, đây là tâm lý lo lắng của HĐQT ngân hàng này sau những thông tin liên quan đến vụ gán nợ bị rò rỉ trên truyền thông.

Theo đó, MSB hiện có tổng giá trị nhận gán nợ đối với 35 con tàu nói trên tại thời điểm gán nợ là 3.940 tỷ đồng, chiếm 91,23% tổng tài sản gán nợ của MSB tại ngày 30/9/2020. Tính bình quân, mỗi tàu gán nợ trị giá 112,6 tỷ đồng.

Nguồn gốc của việc nhận nợ này xuất phát từ hai công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II thuộc Agribank. Một số khác đến từ các tập đoàn đã bị giải thể là Vinashin và Vinaline. Trong đó, ALC II cũng đã phá sản, ALC I hiện không có khả năng thanh trả các khoản nợ.

Hiện tại, để giải quyết cục máu đông nói trên MSB chào bán mỗi con tàu với giá trên dưới 20 tỷ đồng, một mức giá cực thấp với giá trị nhận nợ bình quân mỗi con tàu là 112 tỷ đồng.

Trong trường hợp bán được hết cả lô 34 con tàu trong 3 năm tới, khả năng MSB cũng chỉ thu về khoảng 700 tỷ đồng, trong khi chỉ riêng giá trị tài sản nhận nợ đã là 3.940 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần giá trị tài sản đã nhận nợ.

Vừa mới niêm yết tại HoSE, MSB của đại gia “Tuấn chợ” vướng vụ gán nợ có giá trị lên đến 3.940 tỷ đồng.

Khi những thông tin trên được chúng tôi đăng tải thì bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Khối Quản lý - Tài chính của MSB đăng đàn giải thích với truyền thông: Tính đến hết 2020, MSB còn quản lý 34 con tàu nhận gán nợ. Các tàu này đều được nâng cấp định kỳ theo quy định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam và hiện trong trạng thái hoạt động tốt, khai thác ổn định. MSB cũng mua đầy đủ bảo hiểm tài sản để đảm bảo tàu vận hành an toàn.

Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được thì trái ngược hoàn toàn với những gì bà Hằng giải thích với truyền thông. Theo đó, phần lớn trong số 35 con tàu này đều được đóng cách đây một thập niên.

Trong đó, có hai tàu “già” nhất (một tàu đóng năm 1996, một tàu đóng năm 1998) có trọng tải hơn 24 nghìn và gần 30 nghìn tấn. Trong đội tàu, có 08 tàu trọng tải từ 7.000 tới 12 nghìn tấn. Còn lại, 25 tàu có trọng tải trong khoảng từ 2.000 - 5.000 tấn, đóng tại Nam Định, Hải Phòng. Chất lượng vận hành số tàu này rất kém, số tàu có chất lượng bảo đảm có thể tiếp tục vận hành được là khá ít.

Trong một diễn biến khác, trong khi nhiều chuyên gia phân tích tài chính quan ngại về tính hiệu quả của việc nhận gán nợ và cho thuê lại tàu thì bà Hằng lại có vẻ rất tự hào về quyết định này của MSB.

MSB là ngân hàng “hiếm” trên thị trường sang tên lại các tài sản gán nợ này về quyền sở hữu của Ngân hàng và thực hiện cho thuê trọn gói. Các Hợp đồng thuê tàu trọn gói này mang về doanh thu đều đặn cho MSB hàng tháng. Nguồn thu này hàng năm khoảng 4-5% giá trị, và sẽ được duy trì liên tục trong thời gian MSB tìm được đối tác mua tàu.”, bà Hằng phân tích.

Thực tế, nếu lấy 5% giá trị cao nhất có thể, làm phép nhân với tổng tài sản nhận nợ là 3.940 tỷ đồng con số đạt được sẽ là 197 tỷ đồng/năm. Đặt giả định giá trị cho thuê tàu đạt được nhân cho 10 năm (thời hạn mà các con tàu này sẽ bị khấu hao và không thể cho thuê được nữa) MSB sẽ chỉ thu được 1970 tỷ đồng. Con số này đem so với 3.940 tỷ đồng thì sẽ thấy bài toán hiệu quả của việc cho thuê không như bà Hằng chia sẻ. Ngoài ra, việc cho thuê đến 10 năm là không khả thi vì phần lớn các con tàu đều trên 1 thập niên, việc đảm bảo cho thuê lại là không nhiều!

Với những thông tin tiêu cực như trên, đợt phát hành cổ phiếu quỹ lần này của MSB liệu có thành công hay không thì chỉ có thực tế mới có câu trả lời chính xác.

MINH TRÍ