Theo thông tin chúng tôi có được, tổng giá trị nhận gán nợ đối với 35 con tàu nói trên tại thời điểm gán nợ là 3.940 tỷ đồng, chiếm 91,23% tổng tài sản gán nợ của MSB tại ngày 30/9/2020. Tính bình quân, mỗi tàu gán nợ trị giá 112,6 tỷ đồng. Và tất cả các con tàu này đều được đóng cách đây một thập niên.
Cần nhấn mạnh, sau khủng hoảng kinh tế năm 2009, ngành vận tải biển và đóng tàu ở Việt Nam bị thu hẹp thị trường suy giảm mạnh. Giá tàu thế giới và Việt Nam vì thế sụt giảm mạnh. Xu hướng phục hồi hầu như không có, ngay cả ở thời điểm hiện tại. Trong số này, có 2 tàu già nhất (đóng 1996, 1998) có trọng tải lên đến 24 ngàn tấn và 30 ngàn tấn. 25 tàu khác có trọng tải từ 2.000 tấn đến 5.000 tấn.
So sánh giữa giá trị nhận gán nợ và trọng tải tàu cho thấy, MSB đã nhận gán nợ 38 tàu này, chủ yếu là tàu trọng tải nhỏ, đóng tại nhà máy đóng tàu tư nhân trong nước, với một mức giá rất cao.
Nguồn gốc của việc nhận nợ này xuất phát từ hai công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II thuộc Agribank. Một số khác đến từ các tập đoàn đã bị giải thể là Vinashin và Vinaline. Trong đó, ALC II cũng đã phá sản, ALC I hiện không có khả năng thanh trả các khoản nợ.
Trong các báo cáo tài chính công bố gần đây, MSB không làm rõ cho cổ đông và các nhà đầu tư cho thấy cách thức xử lý số nợ trên là như thế nào.
Mặc dù, bị vướng khoản nợ khủng như vậy nhưng MSB vẫn tập trung cho thuê lại tàu để kinh doanh. Cụ thể, MSB cho Công ty Cổ phần Container Phía Nam (Viconship Saigon) thuê 33 tàu. Còn lại 2 con tàu (tàu An Phú 15 và tàu Thành Vân 16) cho Công ty Cổ phần thương mại vận tải Thành Vân thuê.
Tuy nhiên, có một thông tin trong bản cáo bạch cho thấy vào tháng 7/2020, MSB đã bán thành công 1 con tàu cho đối tác. Như vậy, số tàu thực tế MSB phải nhận gán nợ là 34 con tàu, chứ không phải 35. Sai số nói trên dẫn đến giá trị gán nợ sẽ sai lệch lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo đúng quy định của tài chính, số tiền thu được từ việc bán con tàu trên phải được hạch toán quyết toán chi phí và doanh thu. Nhưng trong báo cáo tài chính được công bố vào quý 3/2020, thông tin này đã không được MSB nhắc tới.
Nhìn vào các báo cáo tài chính nhiều năm trở lại đây của MSB, ngân hàng này chưa có đánh giá cụ thể cũng như công bố kết quả về hoạt động cho vay với ngành vận tải biển.
Tuy nhiên, như thông tin được chúng tôi tìm hiểu tổng giá trị nhận gán nợ đối với 35 con tàu trên tại thời điểm gán nợ là 3.940 tỷ đồng, chiếm 91,23% tổng tài sản gán nợ của MSB tại ngày 30/9/2020. Điều này cho thấy việc giải ngân cho hoạt động cho vay tàu biển của MSB hoàn toàn không hiệu quả.
Hiện tại, để giải quyết cục máu đông nói trên MSB chào bán mỗi con tàu với giá trên dưới 20 tỷ đồng, một mức giá cực thấp với giá trị nhận nợ bình quân mỗi con tàu là 112 tỷ đồng.
Trong trường hợp bán được hết cả lô 34 con tàu trong 3 năm tới, khả năng MSB cũng chỉ thu về khoảng 700 tỷ đồng, trong khi chỉ riêng giá trị tài sản nhận nợ đã là 3.940 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần giá trị tài sản đã nhận nợ.
Mặc dù phải đối diện với áp lực xử lý nợ xấu nhưng trong thời kì 2012 – 2017, MSB vẫn tiếp tục nhận lại nợ tàu biển từ ngân hàng khác. MSB cũng rất tích cực cho vay đóng tàu biển mới, hoặc nhận nợ đóng tàu dở dang, cho vay tiếp để hoàn thiện tàu biển đóng mới, đặc biệt với một số doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình, Nam Định. Tổng số vốn MSB đã cho vay vào hoạt động này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, dù đã tăng trưởng nóng từ năm 2018 đến nay, nhưng tỷ lệ tăng trưởng tài sản của MSB vẫn thấp hơn nhiều các ngân hàng thương mại khác khi chỉ tăng trưởng ở mức 85% thấp hơn nhiều so với một ngân hàng bị vướng nhiều lùm xùm về nhân sự HĐQT và được dân tài chính xếp vào dạng yếu kém là Eximbank (có mức tăng trưởng đạt 96,54%).
MINH TRÍ