Tiêu dùng

MSB của đại gia “Tuấn chợ” có thể giải quyết “cục máu đông” tài sản gán nợ lên đến 3.940 tỷ đồng trong năm 2021 hay không?

Sau khi chúng tôi đăng tải thông tin về việc Ngân hàng Hàng hải (MSB) đang vướng vụ tài sản gán nợ trong ngành tàu biển do nhận vụ thế chấp 38 con tàu với tổng giá trị lên đến 3.940 tỷ đồng (1 tàu bị chìm năm 2017, 2 tàu đã được bán vào năm 2018), đại diện MSB đã lên tiếng. Theo đó, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Khối Quản lý – Tài chính của MSB trả lời với truyền thông là ngân hàng sẽ đặt mục tiêu xử lý hế số tài sản gán nợ này trong năm 2021? Liệu MSB có thực hiện được mục tiêu này hay không?

Như thông tin chúng tôi đăng tải trong bài viết: “Vừa mới niêm yết tại HoSE, MSB của đại gia “Tuấn chợ” vướng vụ gán nợ có giá trị lên đến 3.940 tỷ đồng do tàu biển” cho đến thời điểm hiện tại: tổng giá trị nhận gán nợ đối với 35 con tàu nói trên ở thời điểm gán nợ là 3.940 tỷ đồng, chiếm 91,23% tổng tài sản gán nợ của MSB tại ngày 30/9/2020. Tính bình quân, mỗi tàu gán nợ có trị giá 112,6 tỷ đồng. Và tất cả các con tàu này đều được đóng cách đây một thập niên.

MSB trả lời với truyền thông là ngân hàng sẽ đặt mục tiêu xử lý hế số tài sản gán nợ này trong năm 2021.

Để làm rõ những thông tin mà giới truyền thông đăng tải trong mấy ngày qua, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Khối Quản lý - Tài chính của MSB giải thích: Tính đến hết 2020, MSB còn quản lý 34 con tàu nhận gán nợ. Các tàu này đều được nâng cấp định kỳ theo quy định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam và hiện trong trạng thái hoạt động tốt, khai thác ổn định. MSB cũng mua đầy đủ bảo hiểm tài sản để đảm bảo tàu vận hành an toàn.

Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được thì trái ngược hoàn toàn với những gì bà Hằng giải thích với truyền thông. Theo đó, phần lớn trong số 35 con tàu này đều được đóng cách đây một thập niên.

Trong đó, có hai tàu “già” nhất (một tàu đóng năm 1996, một tàu đóng năm 1998) có trọng tải hơn 24 nghìn và gần 30 nghìn tấn. Trong đội tàu, có 08 tàu trọng tải từ 7.000 tới 12 nghìn tấn. Còn lại, 25 tàu có trọng tải trong khoảng từ 2.000 - 5.000 tấn, đóng tại Nam Định, Hải Phòng. Chất lượng vận hành số tàu này rất kém, số tàu có chất lượng bảo đảm có thể tiếp tục vận hành được là khá ít.

So sánh giữa giá trị nhận gán nợ và trọng tải tàu cho thấy, MSB đã nhận gán nợ 38 tàu này, chủ yếu là tàu trọng tải nhỏ, đóng tại nhà máy đóng tàu tư nhân trong nước, với một mức giá rất cao.

Nguồn gốc của việc nhận nợ này xuất phát từ hai công ty cho thuê tài chính ALC I và ALC II thuộc Agribank. Một số khác đến từ các tập đoàn đã bị giải thể là Vinashin và Vinaline. Trong đó, ALC II cũng đã phá sản, ALC I hiện không có khả năng thanh trả các khoản nợ.

Trong các báo cáo tài chính công bố gần đây, MSB không làm rõ cho cổ đông và các nhà đầu tư cho thấy cách thức xử lý số nợ trên là như thế nào.

Trong một diễn biến khác, trong khi nhiều chuyên gia phân tích tài chính quan ngại về tính hiệu quả của việc nhận gán nợ và cho thuê lại tàu thì bà Hằng lại có vẻ rất tự hào về quyết định này của MSB.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Khối Quản lý – Tài chính của MSB thì việc nhận số nợ 3.940 tỷ đồng nói trên đang được khai thác hiệu quả.

“MSB là ngân hàng “hiếm” trên thị trường sang tên lại các tài sản gán nợ này về quyền sở hữu của Ngân hàng và thực hiện cho thuê trọn gói. Các Hợp đồng thuê tàu trọn gói này mang về doanh thu đều đặn cho MSB hàng tháng. Nguồn thu này hàng năm khoảng 4-5% giá trị, và sẽ được duy trì liên tục trong thời gian MSB tìm được đối tác mua tàu.”, bà Hằng phân tích.

Thực tế, nếu lấy 5% giá trị cao nhất có thể, làm phép nhân với tổng tài sản nhận nợ là 3.940 tỷ đồng con số đạt được sẽ là 197 tỷ đồng/năm. Đặt giả định giá trị cho thuê tàu đạt được nhân cho 10 năm (thời hạn mà các con tàu này sẽ bị khấu hao và không thể cho thuê được nữa) MSB sẽ chỉ thu được 1970 tỷ đồng. Con số này đem so với 3.940 tỷ đồng thì sẽ thấy bài toán hiệu quả của việc cho thuê không như bà Hằng chia sẻ. Ngoài ra, việc cho thuê đến 10 năm là không khả thi vì phần lớn các con tàu đều trên 1 thập niên, việc đảm bảo cho thuê lại là không nhiều!

Hơn thế, như thông tin đã chỉ ra trên đây, bà Hằng cho biết ngân hàng sẽ thanh lý hết số tàu trong năm 2021 để thu tài sản về. Nếu cho thuê mà có hiệu quả thì tại sao MSB lại dự định đẩy nhanh việc thanh lý “cục máu đông” này?

Theo phân tích của giới chuyên gia, trong trường hợp bán được hết cả lô 34 con tàu trong 3 năm tới, khả năng MSB cũng chỉ thu về khoảng 700 tỷ đồng, trong khi chỉ riêng giá trị tài sản nhận nợ đã là 3.940 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần giá trị tài sản đã nhận nợ.

Mặc dù phải đối diện với áp lực xử lý nợ xấu nhưng trong thời kì 2012 – 2017, MSB vẫn tiếp tục nhận lại nợ tàu biển từ ngân hàng khác. MSB cũng rất tích cực cho vay đóng tàu biển mới, hoặc nhận nợ đóng tàu dở dang, cho vay tiếp để hoàn thiện tàu biển đóng mới, đặc biệt với một số doanh nghiệp tại tỉnh Thái Bình, Nam Định. Tổng số vốn MSB đã cho vay vào hoạt động này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT (bên phải) và ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB tại ĐHCĐ thường niên năm 2020.

Về kết quả kinh doanh, dù đã tăng trưởng nóng từ năm 2018 đến nay, nhưng tỷ lệ tăng trưởng tài sản của MSB vẫn thấp hơn nhiều các ngân hàng thương mại khác khi chỉ tăng trưởng ở mức 85%. Nếu đem so sánh với Eximbank một ngân hàng bị vướng nhiều lùm xùm về nhân sự HĐQT và được dân tài chính xếp vào dạng yếu kém là Eximbank, có mức tăng trưởng đạt 96,54% thì mức tăng trưởng MSB thấp hơn rất nhiều.

Hơn nữa, theo hé lộ của bà Hằng, kết quả kinh doanh của MSB phần lớn không đến từ hoạt động cốt lõi của ngân hàng mà đến từ đầu tư chứng khoán! Và sau khi có sự tư vấn của đối tác nước ngoài MSB mới dần rút ra khỏi ngành kinh doanh tiềm năng nhưng đầy rủi ro này: “Những ngày đầu tháng 1 này, chúng tôi cũng đã hoàn tất việc thoái danh mục đầu tư chứng khoán vốn theo chiến lược chung để tập trung toàn bộ nguồn lực vào hoạt động kinh doanh lõi. Giao dịch này được thực hiện tại thời điểm thị trường chứng khoán tăng trưởng nên đã giúp cho MSB ghi nhận lợi nhuận tốt cho tháng 1 cũng như đáp ứng được việc tuân thủ quy định của NHNN về nắm giữ cổ phiếu.”, bà Hằng chia sẻ và cho biết thêm.

MINH TRÍ