Tiêu dùng

Ngoài Tân Hoàng Minh không trả được nợ trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp khác vẫn đúng hẹn

Tại quốc hội chiều 8/6, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp đều trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đúng hạn, ngoại trừ doanh nghiệp Tân Hoàng Minh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa của TP.HCM cho biết, mục tiêu của chính phủ đến năm 2025 quy mô thị trường đạt 20% GDP nhưng cuối 2021 quy mô đã đạt 18% tương đương 51 tỷ đô la, so với 2018 tăng 3 lần. Theo kết quả thanh tra, 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10.

Ông Nghĩa đặt câu hỏi: "Phải chăng có sự buông lỏng, cảnh báo của Bộ trưởng không có hiệu quả?”.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn tại quốc hội ngày 8/6/2022

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: "Cơ quan nhà nước không cấp phép quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp, chúng ta cho quyền tự do phát hành cho doanh nghiệp. Sau này thị trường tăng mạnh nên mới đặt vấn đề cơ quan nhà nước quản lý".

Về điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lý giải: Bộ Tài chính phải thực hiện theo đúng Luật Chứng khoán và Nghị định 153. Trái phiếu phát hành riêng lẻ thì cơ quan Nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh, nên trái phiếu sẽ do doanh nghiệp phát hành, vay trả, các cơ quan không can thiệp. Chỉ khi thấy bất thường thì mới đặt vấn đề cơ quan Nhà nước phải quản lý. Luật Chứng khoán cũng không đưa ra điều kiện phát hành, cần doanh nghiệp có lãi hay cần tài sản đảm bảo. Do đó, trong nghị định 153 cũng không thể quy định được điều kiện phát hành.

Báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 1 năm nay của SSI Reacher cho biết, gần 226 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và 28,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu các định chế tài chính khác phát hành trong năm 2021 đều không có tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên với 468 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp còn lại, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo là 83 nghìn tỷ đồng (chiếm 18%), đảm bảo toàn bộ bằng cổ phiếu là 33 nghìn tỷ đồng (chiếm 7%), đảm bảo một phần bằng tài sản/bất động sản và một phần bằng cổ phiếu là 131,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 28%).

Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản đẩm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu là172,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành 2021.

"Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33 nghìn tỷ đồng(10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo", SSI nhận định.

Cũng trong phiên họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp cần vốn rất khó khăn do thị trường trái phiếu đang bị siết lại.

"Thanh tra kiểm soát phải tránh hiện tượng mất bò mới lo làm chuồng, nhưng tránh tình trạng 'mất bò' rồi lại không dám làm chuồng lại mới. Kiểm soát chấn chỉnh nhưng không được làm thị trường không phát triển, không thể giật cục mà cần dự phòng nhiều nội dung khác nhau", ông nhận định.

Kim Điền