Tiêu dùng

8 tháng, Việt Nam đạt doanh thu 1,2 tỷ USD về xuất khẩu sầu riêng, mở rộng dư địa xuất khẩu sang Ấn Độ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả mang về 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mặt hàng sầu riêng mang về doanh thu xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch và gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022 (420 triệu USD). 

Hiện tại, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc với mùa vụ ở Tây Nguyên trái mùa so với nhiều nước cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

sau-rieng-1694568647.jpg

8 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả mang về 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng mặt hàng sầu riêng mang về doanh thu trên 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, thị trường xuất khẩu sầu riêng rất đa dạng, ngoài Trung Quốc chiếm khoảng 90% sản lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì các thị trường khác chúng ta cũng có dư địa để phát triển.

Việt Nam hiện có 422 vùng trồng và 153 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt cùng 64 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói đang trong tình trạng hoàn thiện để được Trung Quốc cấp mã số. Bên cạnh đó, hơn 600 mã số vùng trồng và 50 cơ sở đóng gói sẽ gửi sang Trung Quốc để phê duyệt.

Hiện tại, cả nước có hơn 112.000 ha sầu riêng, tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn. Trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Riêng Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000 ha; trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2023 ước tính khoảng 200.000 tấn.

Dự kiến, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục lập kỷ lục xuất khẩu khi ngày càng có sự đầu tư các vùng trồng theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu sang Trung Quốc và nhiều thị trường có yêu cầu khắt khe khác.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sầu riêng đã tăng trưởng nóng suốt 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vấn đề là ngành hàng sầu riêng của Việt Nam đã đi sau các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaysia, Philippines nên cần có cách ứng phó phù hợp. 

Đề xuất giải pháp, ông Toản kêu gọi phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời, quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.

AN NHIÊN