Tiêu dùng

Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chuẩn bị bước chân vào mảng giao đồ ăn

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Toàn cầu Công ty GSM, hãng gọi xe điện Xanh SM đang nghiên cứu mảng giao đồ ăn tại Việt Nam. Ông Thanh đánh giá mảng giao đồ ăn trực tuyến rất tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.

Trong một chia sẻ gần đây trên trang cá nhân ông Thanh cho hay: “Chúng tôi chào đón các ứng viên tiềm năng có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và kinh doanh mảng giao đồ ăn về cùng trao đổi để xem liệu Xanh SM có nên gia nhập thị trường hay không”.

xanh-vuong-1740364163.jpg

Xanh SM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự định bước chân vào mảng giao đồ ăn.

Trong một báo cáo của hãng nghiên cứu Momentum Works, Việt Nam là thị trường giao đồ ăn tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm 2024. Ước tính, quy mô GMV giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng 26% lên 1,8 tỷ USD.

Dẫu vậy, trong nhóm 6 quốc gia nổi bật, quy mô chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất dù có quy mô dân số hơn 100 triệu người cùng mức độ tiếp cận công nghệ cao.

Khác với các dịch vụ như vận chuyển hay giao hàng, thị trường giao đồ ăn Việt Nam tương đối cô đặc.

Hiện tại, ShopeeFood và Grab chia nhau phần lớn thị phần ở Việt Nam với tỷ lệ lần lượt là 47% và 48%. Thị phần ít ỏi còn lại thuộc về Be (4%) và Gojek (1%) (ứng dụng đã rời khỏi cuộc chơi từ tháng 9/2024).

Đối với các ứng dụng giao đồ ăn, thị trường Việt Nam được xem như “mỏ vàng” trong cuộc chiến mở rộng thị phần. Việc chiếm lấy nguồn tài nguyên này cũng giúp các ứng dụng đem về doanh thu không nhỏ thông qua hệ thống phí, hoa hồng với đối tác.

Theo đó, dịch vụ gọi đồ ăn được hình thành dựa trên mối quan hệ 4 bên gồm khách hàng - tài xế - ứng dụng - nhà cung cấp.

Ngoài nguồn thu từ phí sử dụng nền tảng của khách hàng và chiết khấu từ tài xế, ứng dụng còn nhận về 15-25% chiết khấu trên mỗi đơn hàng từ các nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, các ứng dụng giao đồ ăn còn có thêm nguồn thu từ việc cung cấp dịch vụ quảng cáo dành cho nhà hàng trên nền tảng.

Tuy nhiên, mảng giao đồ ăn vẫn là một thị trường khó nhằn khi tâm lý tiêu dùng của người Việt vẫn bị chi phối bởi chính sách khuyến mãi.

Tháng 12/2023, ứng dụng Baemin, một nền tẳng đến từ Hàn Quốc đã phải nói lời tạm biệt thị trường Việt Nam do không đạt được doanh thu như kì vọng.

HOÀNG THỊNH