Tiêu dùng

Vượt mặt các ông lớn trong ngành như Dược Hậu Giang, Dược phẩm Imexpharm, Traphaco, cổ phiếu VMD của Vimedimex tăng trưởng đột biến lên đến 40% nhờ lợi thế được nhập 25 triệu liều vắc xin Covid – 19

Từ ngày 9/8 – 13/8, cổ phiếu VMD của CTCP Y Dược phẩm Vimedimex đã tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp đưa thị giá VMD lên đỉnh mới 34.500 đồng/cp, tương đương tăng gần 40%; khối lượng giao dịch cũng tăng đột biến từ vài nghìn lên hàng chục nghìn cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.

Nguyên nhân chính tác động đến sự đột biến này là công ty Royal Strategics Partners (UAE, công ty thành viên của Group 42) đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với VMD 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen); 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V.

VMD được nhập khẩu 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Janssen (Johnson & Johnson's Janssen), 5 triệu liều vắc xin Pfizer và 10 triệu liều vắc xin COVID-19 Sputnik V.

Trước đó, đầu tháng 6, VMD đã từng ghi nhận chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng kịch trần khi Vimedimex nằm trong danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản vaccine được Bộ Y Tế công bố.

Trái ngược với VMD, tuy là những ông lớn trong ngành dược nhưng cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang chốt phiên 13/8 giảm 400 đồng xuống mức 93.600 đồng/cp; IMP của Dược phẩm Imexpharm giảm 1.000 đồng xuống mức 68.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm hơn 3% so với đầu tuần; hay TRA của Traphaco đứng giá tham chiếu 79.500 đồng/cp trong phiên cuối tuần.

Lý do là dù là những tên tuổi lớn trong ngành, nhưng những công ty nói trên không có lợi thế được Bộ Y tế cho phép nhậu khẩu vắc xin.

Theo bà Trần Mỹ Linh, Tổng Giám đốc VMD hiện công ty đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8/2021, nếu được Bộ Y tế phê duyệt, cấp phép nhập khẩu kịp thời.

Về VMD, tiền thân là công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập từ năm 1984. Cho đến năm 2006, công ty chính thức đổi tên thành Y Dược phẩm Vimedimex với vốn điều lệ khi đó là 25 tỷ đồng.

Vimedimex đã tiến hành niêm yết hơn 8 triệu cổ phiếu VMD trên HoSE vào ngày 30/9/2010. Tới thời điểm hiện tại, số lượng cổ phiếu VMD đang lưu hành là trên 15,4 triệu đơn vị, vốn hóa thị trường của công ty đạt gần 533 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của VMD khá cô đặc. Theo đó, hơn 75% vốn thuộc sở hữu của các cổ đông lớn, trong đó CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 nắm giữ nhiều nhất với 45,34% vốn.

Đặc biệt, nhóm của bà bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT VMD đang nắm giữ 52,7% vốn của VMD.

Ngoài ra, bà Loan còn là Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex – doanh nghiệp sở hữu thương hiệu BĐS Vimefulland. Trước đó, nữ tướng này từng là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (Mã CK: VAB); Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Hòa Bình (Mã CK: HBS) và CTCP Quản lý quỹ Quốc tế.

Về kết quả kinh doanh, năm 2020, doanh thu hợp nhất của VMD ghi nhận đạt 18.142 tỷ đồng. Song, với mô hình hoạt động chủ yếu thông qua phân phối dược phẩm khiến giá vốn ghi nhận cao, dẫn tới biên lợi nhuận thấp. Kết quả, lợi nhuận ròng năm 2020 đạt 37 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2019.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, VMD đạt doanh thu 7.604 tỷ đồng và LNST hơn 19 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. So sánh với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 51% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Mới đây, công ty vừa tiến hành chi trả cố tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 20%, tương ứng chi ra khoảng 31 tỷ đồng. Nguồn thực hiện được lấy từ LNST chưa phân phối cuối năm, ghi nhận gần 36 tỷ đồng tại thời điểm 30/12/2020. Đây cũng là năm thứ 9 VMD duy trì mức trả cổ tức này.

AN NHIÊN