Dược Hậu Giang cho biết, công ty đang tập trung bán các sản phẩm chủ chiến lược và chủ lực, triển khai tốt dự án tăng năng suất và hiệu quả sản xuất giúp tiết giảm chi phí.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng được tiết giảm 20 tỷ đồng, từ mức 170 tỷ đồng xuống còn 150 tỷ đồng để phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Doanh thu tài chính trong quý đạt hơn 34,7 tỷ đồng chủ yếu từ thu lãi tiền gửi, tăng 2,5 tỷ đồng so với cùng kỳ. BCTC ghi nhận, đến hết quý 3 Dược Hậu Giang còn có khoản tiền 300 tỷ đồng gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tại ngân hàng (tăng gần 250 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Ngoài ra còn có 1.808 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Tổng tiền mang đi gửi hơn 2.100 tỷ đồng.
Chi phí tài chính không có nhiều biến động so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 24,2 tỷ đồng. Chi phí tài chính của công ty chủ yếu từ chiết khấu thanh toán và chi phí lãi vay...
Kết quả, quý 3 Dược Hậu Giang công bố số lãi sau thuế hơn 166 tỷ đồng, tăng trưởng 41,7% so với quý 3/2019.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 Dược Hậu Giang đạt 2.544 tỷ đồng doanh thu, giảm 2,8% so với cùng kỳ, hoàn thành gần 66% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 589 tỷ đồng, thực hiện được gần 82% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 529 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng hàng tồn kho đến cuối quý 3 đạt 876 tỷ đồng, tăng 151 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng tài sản đạt 4.380 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả tăng 252 tỷ đồng, lên 1.022 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 515 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2020 Dược Hậu Giang còn 559 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn 1.480 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển và hơn 6 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.