CTCK VNDIRECT vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021 với chủ đề "Chọn mặt gửi vàng".
Theo báo cáo, số liệu kinh tế tích cực của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 là tín hiệu rõ ràng cho sức phục hồi trong một vài năm tới. GDP dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 và 7,4% trong năm 2022, chủ yếu nhờ sự mở rộng của ngành sản xuất và ngành dịch vụ hồi phục mạnh mẽ.
Nửa sau của năm 2021, VNDIRECT cho rằng, hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ) và dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân là hai yếu tố cơ bản góp phần duy trì xu hướng tăng điểm của thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán vượt đỉnh lịch sử và lãi suất tiền gửi ở mức thấp, thị trường sẽ thu hút được sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư và kích thích dòng vốn đổ vào.
Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận đầy tích cực sẽ giúp nâng cao định giá của các doanh nghiệp niêm yết. Lợi nhuận trong quý 1/2021 của các công ty niêm yết trên ba sàn (HOSE, HNX, UPCOM) đã tăng đến 90% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng thậm chí còn cao hơn 57% so với mức trước đại dịch (Q1/2019). Từ đó, VNDIRECT đã nâng dự báo tăng trưởng EPS của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 từ 23% lên mức 30%.
Hiện tại, mức P/E dự phóng 2021 của chỉ số VN-INDEX đang ở mức 16,5 lần, là mức tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của khu vực. Theo đó, Việt Nam cùng với Singapore và Indonesia nổi lên là những thị trường có định giá hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023.
Giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021, tâm lý các nhà đầu tư được kỳ vọng tích cực hơn khi mà tình trạng nghẽn lệnh trong giao dịch có thể giải quyết thông qua việc sử dụng hệ thống giao dịch nâng cấp của HoSE từ tháng 7/2021.
Không chỉ nghẽn lệnh, nút thắt về tình trạng dư nợ cho vay ký quỹ (margin) cao tại các CTCK cũng sẽ được gỡ rối trong thời gian tới nhờ các CTCK đang đẩy nhanh quá trình tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng các quy định về hỏa động cho vay margin của cơ quan quản lý.
Báo cáo cũng nhắc đến rủi ro tiềm ẩn của thị trường bao gồm việc lãi suất tiền gửi cao hơn dự kiến có thể đảo ngược dòng vốn trong nước và sự gia tăng nguồn cung cổ phiếu mới từ đợt tăng vốn cổ phần mạnh mẽ gần đây. Thống kê từ đầu năm 2021 về giá trị cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu đã đạt 25.617 tỷ đồng, cao hơn 3 lần so với con số trong cả năm 2020.
Với quan điểm trên, VNDIRECT kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ giao dịch ở mức P/E 17,5 lần - 18 lần vào cuối năm 2021, tương đương với mức 1.400-1.450 điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán, báo cáo cho rằng chỉ số VN-Index sẽ có thời điểm chạm mức 1.500 điểm trong nửa cuối năm 2021.
Về vấn đề nâng hạng thị trường, mặc dù đã lỡ hẹn trong kỳ đánh giá tháng 6 vừa qua, song VNDIRECT cho rằng cơ hội cho thị trường Việt Nam vẫn còn đó. Trong kịch bản lạc quan, nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu năm 2022, VNDIRECT cho rằng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ review tháng 6/2022 và được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2023.
Đối với FTSE, báo cáo kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường vào tháng 9/2022.
Ngoài ra, việc mới đây MSCI thông báo đang xem xét khả năng đưa thị trường Pakistan từ thị trường mới nổi về thị trường cận biên sẽ có ít ảnh hưởng tới Việt Nam do tỷ trọng của các cổ phiếu Việt trong rổ MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index sẽ chỉ thay đổi rất nhỏ.
Về quan điểm đầu tư nửa cuối năm 2021, VNDIRECT cho rằng giai đoạn dễ dàng của đầu tư chứng khoán đã qua. Báo cáo khuyến nghị nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những cái tên chất lượng với đặc điểm: (1) tăng trưởng lợi nhuận bền vững và có thể mở rộng kinh doanh; (2) có vị thế tốt để nắm bắt được các cơ hội từ sự phục hồi của tổng cầu thế giới và (3) đòn bẩy tài chính thấp và có khả năng chống chịu tốt với lãi suất.
PHƯƠNG LINH