Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Vietracimex đạt 14.437 tỷ đồng, tăng 458 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Giá trị tổng tài sản của Vietracimex thời điểm cuối năm 2022 khoảng 50.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm và lớn hơn của một số doanh nghiệp bất động sản lớn như Becamex IDC, Vincom Retail.Dư nợ trái phiếu khoảng 7.074 tỷ đồng.
Được biết, Vietracimex tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải. Trải qua gần 60 năm hoạt động, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và các ngành Dịch vụ khác.
Sau khi được cổ phần hóa, hiện tại ông Võ Nhật Thăng đang sở hữu doanh nghiệp này.
Nói về lĩnh vực bất động sản Vietracimex hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn như: khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội (quy mô 146ha); dự án Hinode City tại số 201 Minh Khai, Hà Nội (3,2ha); dự án tòa nhà hỗn hợp khu văn phòng cho thuê và chung cư để bán tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (4.816m2); dự án Sunrise VNT Resort – Phú Quốc (44,4ha); dự án Bình Thạnh tại TP. HCM (17,4ha) dự án khu dân cư Nam Thăng Long, huyện Bình Chánh, TP. HCM (41,87ha); dự án Bình Khánh quận 2, TP. HCM (3,18ha); sân golf Minh Trí (Hanoi Golf Club) tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội (108ha)…
Một mảng hoạt động quan trọng khác là năng lượng Vietracimex là chủ đầu tư của một loạt dự án năng lượng tái tạo khác như: Nhà máy thủy điện Bắc Mê (Hà Giang); thủy điện Tà Thàng (Lào Cai); nhà máy quang điện Hồng Phong 1A, 1B (Bình Thuận)…. Đặc biệt, 2 dự án: Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1A và Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1B đều chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6/2019.
Ba công ty thành viên của Vietracimex trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là CTCP Năng lượng Hòa Thắng, CTCP Năng lượng Hồng Phong 1 và CTCP Năng lượng Hồng Phong 2 đang có tổng dư nợ trái phiếu hơn 5.500 tỷ đồng.
LÊ TRÍ