Tiêu dùng

Vietcombank đạt 36.774 tỷ đồng lợi nhuận dẫn đầu ngành ngân hàng trong năm 2022, TPBank tăng 30% lợi nhuận so với cùng kỳ

Mới đây, hàng loạt các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh của năm 2022. Dẫn đầu về lợi nhuận là Vietcombank đạt mức 36.774 tỷ đồng. về khối thương mại cổ phần TPBank tăng trưởng mạnh về lợi nhuận khi tăng 30% so với năm 2021.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với năm 2021, vượt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

Tỷ lệ nợ xấu của VietinBank được kiểm soát ở mức 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021). Kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.

Vietcombank dẫn đầu về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank - Mã: VCB) cũng thông tin kết quả kinh doanh ước tính cả năm 2022 với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt khoảng 36.774 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%.

Với con số lợi nhuận trên, Vietcombank dẫn đầu về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2022.

Năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 19% đưa tổng dư nợ vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng. Huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,26 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2021. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn (CASA) bình quân đạt 34%, tăng 1,8 điểm % so với 2021.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) cho hay các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2022 đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Tổng tài sản BIDV đạt hơn 2,08 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 21% so với năm 2021 và là ngân hàng thương mại đầu tiên vượt mốc này.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 21,1% so với đầu năm; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1,62 triệu tỷ đồng, tăng 8,8% so với đầu năm và chiếm gần 13,6% thị phần tiền gửi toàn ngành ngân hàng.

Trong năm, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư của BIDV đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%).

Trong khi đó tại nhóm ngân hàng cổ phần, TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận với 7.828 tỷ đồng trước thuế, tăng 30% so với năm trước. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank đạt trên 15.600 tỷ đồng, tăng hơn 15,5% so với năm 2021. Lãi thuần từ dịch vụ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, tăng gần 75%.

AN NHIÊN