Tiêu dùng

Trịnh Văn Quyết và các chiêu 'lùa gà', 'úp sọt' chứng khoán thu lời hàng trăm tỉ đồng

Bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo nhiều người cùng tham gia thổi giá cổ phiếu FLC lên cao ngất ngưởng để ‘lùa gà’ nhiều nhà đầu tư rồi ‘úp sọt’ bán chui số cổ phiếu mà ông mua rẻ.

Hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12-2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10-1-2022

Nói về thao túng giá cổ phiếu FLC, tỉ phú Trịnh Văn Quyết từng khẳng định với báo chí rằng bản thân ông không làm giá. “Diễn biến giá cổ phiếu rất mang tính thị trường, do cung - cầu quyết định, hôm nay có thể lên, mai lại xuống. Thị trường là như vậy”, ông Quyết nói.

Tuy nhiên, trước những diễn biến trong thời gian gần đây, Cơ quan điều tra đã làm rõ được nhiều sai phạm của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết liên quan đến việc làm giá cổ phiếu với mục đích thu lời bất chính hàng trăm tỉ đồng.

Sau vụ bán chui cổ phiếu gây chấn động hồi tháng 1-2022, dù tài khoản của ông Quyết bị cấm giao dịch, thì ông vẫn tiếp tục có hành vi thao túng đẩy giá cổ phiếu lên.

Đẩy giá cổ phiếu tăng 64%

Hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12-2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10-1-2022 - phiên mà Chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.

Ông Quyết đã vẽ ra một kịch bản khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia thổi giá cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để ‘lùa gà’ nhiều nhà đầu tư rồi ‘úp sọt’ bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.

Bị can Trịnh Văn Quyết cùng với bà Bùi Hải Huyền đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc làm giá. Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.

Trịnh Văn Quyết cùng những người giúp sức đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường.

Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 liên tục tăng, thậm chí tăng trần nhiều phiên. Phiên tăng trần cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Trịnh Văn Quyết làm tăng hơn 64%.

 Công an khám xét tại trụ sở Công ty FLC

Sau khi giá cổ phiếu FLC được ‘thổi’ lên cao ngất ngưởng thì ông Trịnh Văn Quyết đã dùng chiêu ‘úp sọt’, chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC nhóm của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán chui, không công bố trước khi thực hiện giao dịch.

Tổng số tiền bị can Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn lại tiền.

Sau vụ úp sọt, ông Quyết vẫn tiếp tục làm giá

Điều đáng nói, sau khi hành vi bán chui 74,8 triệu cổ phiếu của chủ tịch FLC gây chấn động dư luận, làm chao đảo thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi sai phạm khác đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Sau khi bị phát hiện, để đối phó với cơ quan chức năng, bị can Trịnh Văn Quyết đã giao cho người thân sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty CP Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả. Giá cổ phiếu FLC đã được ‘thổi’ từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu phiên ngày 22-3.

Chỉ trong vòng 3 tháng, những thông tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết đã 2 lần làm cho thị trường chứng khoán rúng động. Lần thứ nhất, khi ông Quyết bán chui cổ phiếu đã làm thị trường giảm hàng chục điểm, nhiều cổ phiếu ‘nằm sàn’ dài vài phiên, nhà đầu tư thiệt hại nặng.

Ở phiên giao dịch đầu tuần 28-3, hàng loạt mã thuộc hệ FLC bị nhà đầu tư bán tháo, nhiều cổ phiếu khác cũng giảm mạnh vì tin đồn ông Quyết bị bắt và thông tin ông bị cấm xuất cảnh một tháng.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, Ủy ban chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích các yếu tố vĩ mô, hoạt động của doanh nghiệp để ra quyết định.

Hình ảnh Trịnh Văn Quyết lan toả trên mạng, được cho là trước lúc bị bắt.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước: Nhà đầu tư cần bình tĩnh

Liên quan tới việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc ‘thao túng’ và ‘che giấu thông tin chứng khoán’, tối 29/3 Ủy ban chứng khoán ra khuyến nghị cho rằng, các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ những yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.

Trong những lần ông Quyết bị xử phạt vì hành vi bán cổ phiếu không công bố thông tin trước đó, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, thị trường thường biến động mạnh.

Ủy ban Chứ khoán Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp đầy đủ thông tin, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý vụ việc, trên tinh thần đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán.

Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra cung cấp các thông tin về ông Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Kim Điền