Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu 4.416 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp giảm còn 531,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí lãi vay giảm mạnh hơn một nửa cùng kỳ, chi phí bán hàng cũng giảm… Khấu trừ, MPC thu về lãi ròng 241 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, MPC ghi nhận doanh thu thuần giảm 22% xuống còn 9.982 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng 69%, đạt 159 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí được tiết giảm, MPC theo đó báo lãi ròng tăng 23%, đạt hơn 477 tỷ đồng.
So với kế hoạch 15.206 tỷ đồng doanh thu và 915 tỷ đồng lãi sau thuế, đến nay MPC đã thực hiện được 66% chỉ tiêu doanh thu và 52% chiểu lợi nhuận 2020.
Mới đây, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã đưa ra kết luận có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation (MSeafood) – chi nhánh của MPC vi phạm luật thương mại của Mỹ khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ. Theo đó, sản phẩm tôm xuất khẩu bởi Minh Phú từ Việt Nam đến Mỹ sẽ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ.
Ngày 22/10, MPC vừa có phản hồi chính thức, cho biết quyết định trên của CBP là một bất ngờ lớn đối với Công ty. Theo MPC, trước đó Công ty đã hợp tác toàn diện với cuộc điều tra và chứng minh rõ cách xử lý và tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và tôm có xuất xứ Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, đảm bảo chỉ có tôm Việt Nam mới xuất đi Mỹ. Tuy nhiên, CBP không sang Việt Nam và không thực hiện việc thẩm tra tại thực địa. Thay vào đó, CBP thiết lập tiêu chuẩn đánh giá riêng về phân tách tôm và yêu cầu MPC phải sử dụng phương pháp này, không chấp nhận phương pháp doanh nghiệp đã sử dụng 4 năm qua.
Đồng thời, MPC cũng khẳng định từ cuối tháng 7/2019 đã ngưng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Hiện tại, MPC đã đầu tư mô hình nuôi tôm Công nghệ cao tại 2 vùng Minh Phú Kiên Giang (600 hecta) và Minh Phú Lộc An (300 Hecta). Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Công ty cũng đã thiết lập mạng lưới liên kết và cung ứng tôm khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nam Bộ, với đa dạng mô hình nuôi tôm bền vững, như 100.000 hecta nuôi tôm công nghiệp, 25,000 hecta nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn, cùng hơn 10.000 hecta diện tích nuôi Tôm-Lúa.
Theo đó, MPC cho biết sẽ thực hiện quyền kháng cáo đối với quyết định của CBP, quá trình xem xét kháng cáo dự kiến diễn ra trong 60 ngày kể từ đơn kháng cáo được ghi nhận. Trong trường hợp kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, MPC sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Thương mại Quốc tế.