Doanh số chạm đáy, thị trường ô tô cần ’phao cứu trợ’

Admin

Thị trường ô tô đang ở mức báo động khi doanh số bán hàng ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục, chưa từng có trong tiền lệ. Các doanh nghiệp ô tô đang rất cần ‘’phao cứu sinh’’ kịp thời từ Chính phủ.

Doanh số chạm đáy kỷ lục vì Covid

Tiếp nối cơn sốt mua sắm ô tô cuối năm 2020 nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, trong 4 tháng đầu năm 2021, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận doanh số rất tốt, tăng trưởng 53% so với cùng kỳ 2020 (theo số liệu VAMA, TC Motor và Vinfast).

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2021, đại dịch Covid - 19 lần thứ 4 bùng phát, đặc biệt với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, rất nguy hiểm và liên tục bùng phát kéo dài trong suốt nhiều tháng qua.

Hầu hết các tỉnh thành bị ảnh hường hưởng nặng nề, các cơ quan đăng ký, đăng kiểm xe ô tô không làm việc, các doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động

Những lý do trên tác động gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến nền kinh kế nói chung, hoạt động các doanh nghiệp và đặc biệt là thu nhập người dân, dẫn đến sức mua của thị trường ô tô giảm rất mạnh và liên tục, chưa có tiền lệ từ Quý 3/2021. Đặc biệt đến tháng 8/2021, thị trường ô tô ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục từ trước nay. Theo số liệu VAMA, TC Motor và Vinfast, toàn thị trường ghi nhận mức doanh số chỉ 13.376 xe, giảm 53% so với cùng kỳ.

Đại lý kinh doanh ô tô chật vật 

Theo chia sẻ từ Ông Phan Dương Cửu Long – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng Hợp Sài Gòn (SAVICO) – Nhà phân phối ô tô số 1 Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, các đại lý thuộc hệ thống SAVICO vẫn bám theo mục tiêu kế hoạch đã đề ra, do tận dụng lợi thế thị trường trong Q1/2021 và kiểm soát tốt chi phí hoạt động...

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, cơ quan đăng ký/ đăng kiểm dừng hoạt động, các xe đã có hợp đồng không thể hoàn tất thủ tục để giao cho khách; Dịch vụ ngưng trệ, hoạt động giải ngân bán buôn, bán lẻ bị ảnh hưởng, sức mua giảm mạnh… làm gián đoạn dòng tiền vào của doanh nghiệp. Những hệ lụy này đã khiến hoạt động kinh doanh của SAVICO sụt giảm đáng kể trong Quý 3/2021.

Các đại lý phân phối vẫn phải duy trì chi phí mặt bằng, kho bãi, truyền thông, quảng cáo trong khi  mọi giao dịch gần như đóng băng mùa dịch. Ảnh minh hoạ

Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm sức mua và doanh số của ngành ô tô nói chung, ông Cửu Long cũng cho ý kiến thêm: “Ngoài những lý do kể trên, tôi nghĩ rằng việc giảm sức mua của thị trường ô tô nói chung là bởi đây không phải là mặt hàng thiết yếu, lại có giá trị tương đối cao. Bên cạnh đó, chính sách kích cầu thị trường ô tô hiện nay chưa nhiều, chủ yếu từ các chương trình của nhà sản xuất và đại lý; Các chính sách vĩ mô chưa có, Chính phủ chưa có chính sách ưu đãi thuế, phí trước bạ như năm trước… Những yếu tố trên cùng lúc diễn ra trong một thời điểm làm giảm mạnh sức mua của thị trường và cụ thể doanh số thị trường ô tô giảm mạnh, liên tục trong suốt nhiều tháng qua’’.

"TP.HCM chiếm hơn 1/3 sản lượng xe bán và dịch vụ của SAVICO đã phải ngưng hoạt động từ cuối tháng 6 theo chủ trương chung. Tiếp theo đó, các tỉnh thành khác cũng ngưng hoạt động bán hàng và dịch vụ. Việc ngưng kinh doanh đồng nghĩa với nguồn thu và dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Chúng tôi đã thực hiện các giải pháp để cắt giảm chi phí, nhưng có những chi phí, đặc biệt là chi phí cố định, rất khó để cắt giảm. Doanh nghiệp ngưng kinh doanh đồng nghĩa với việc người lao động chỉ trông chờ vào chính sách lương tối thiểu và các hỗ trợ của doanh nghiệp để duy trì cuộc sống. Đây thực sự là một điều khó khăn đối với doanh nghiệp trong việc bảo vệ và duy trì đội ngũ”, ông Long chia sẻ thêm về những khó khăn mà các đại lý thuộc hệ thống SAVICO đang phải đối mặt do ảnh hưởng từ làn sóng thứ 4 Covid-19", ông Long nói.

Dự báo thị trường ô tô được  tiếp tục ảm đạm

Theo dự báo từ SAVICO, sức mua ô tô có thể sẽ giảm 30% - 40%, hoặc có thể hơn thế khi nền kinh tế chưa phục hồi nhanh do giãn cách dài ngày. Nếu như năm trước tình hình dịch bệnh chỉ làm gián đoạn kinh doanh và có thể phục hồi nhanh khi bình thường trở lại thì năm nay tình hình hoàn toàn khác.

Nguồn cung tại Việt Nam không thiếu và thậm chí có thể thừa do mất cầu đột ngột. Ảnh minh hoạ

 

Vừa qua Nikkei cũng vừa công bố Việt Nam đứng cuối cùng, xếp thứ 121/121 trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi Covid-19. Như vậy có thể thấy, các đại lý ô tô phải xác định sống chung lâu dài với dịch và khả năng phục hồi gần như là rất thấp.

Bên cạnh đó, các hãng ô tô có dự báo khả quan trong cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, do vậy khả năng nguồn cung tại Việt Nam không thiếu và thậm chí có thể thừa do mất cầu đột ngột. Các doanh nghiệp ô tô vấp phải tình trạng: Thừa cung - dòng tiền đứt gãy - tồn kho cao tại khu vực sản xuất và đại lý.

Cùng với đó, các doanh nghiệp còn phải đối diện với nhiều áp lực về tài chính khi vẫn phải duy trì các chi phí hoạt động và gần như ít nhận được sự miễn giảm và đồng thuận từ các đối tác, cơ quan nhà nước như: Chủ nhà cho thuê, chi phí điện nước, lãi suất vay, chi phí đảm bảo lương tối thiểu cho người lao động trong thời gian ngừng hoạt động, chi phí của hoạt động phòng chống Covid tại doanh nghiệp tăng cao, chi phí tồn kho và các chi phí phát sinh khác.

Kim Điền