Tiêu dùng

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long nợ vay cao nhất lịch sử hoạt động ở mức 79.000 tỷ đồng

Theo BCTC hợp nhất quý III mới công bố, Hòa Phát (HPG) ghi nhận tổng nợ vay tài chính tại ngày 30/9 lên đến gần 79.000 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với cuối quý II và cao hơn hơn 13.000 tỷ so với đầu năm. Đây là mức dư nợ vay tài chính cao kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi hoạt động.

Theo đó, sự gia tăng nợ vay chủ yếu đến từ nợ dài hạn. Thời điểm cuối quý II, Hòa Phát vay tài chính dài hạn đến 24.500 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ so với cuối quý II và cao hơn 14.000 tỷ so với đầu năm. Đây cũng là mức dư nợ vay dài hạn cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này. Nhiều khả năng số vốn vay được rót vào quả đấm thép Khu liên hợp (KLH) Dung Quất 2.

tran-dinh-long-no-1730336946.jpg

Hòa Phát (HPG) ghi nhận tổng nợ vay tài chính tại ngày 30/9 lên đến gần 79.000 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ so với cuối quý II và cao hơn hơn 13.000 tỷ so với đầu năm.

Ghi nhận tại thời điểm 30/9, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Khu liên hợp Dung Quất lên đến gần 52.500 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD), tăng 10.000 tỷ so với cuối quý II trước đó. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đã rót thêm gần 30.000 tỷ đồng vào dự án trọng điểm có tổng mức đầu tư trên 3 tỷ USD này.

Theo kế hoạch, dự án KLH Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý I/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt. Hòa Phát dự kiến sẽ mất khoảng 3 năm để công suất của Dung Quất 2 được vận hành đạt mức tối đa, qua đó nâng công suất thép thô lên hơn 14 triệu tấn/năm.

Trong bối cảnh dồn lực giải ngân cho quả đấm thép KLH Dung Quất 2, tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) của Hòa Phát đã giảm mạnh sau quý 3 vừa qua. Thời điểm 30/9, số dư tiền mặt còn chưa đến 25.000 tỷ đồng, giảm khoảng 3.500 tỷ so với cuối quý II và thấp hơn đến 9.500 tỷ so với hồi đầu năm . Đây là số dư tiền mặt thấp nhất của Hòa Phát trong 15 quý kể từ đầu năm 2021.

Tiền nhàn dỗi giảm mạnh trong bối cảnh mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp khiến Hòa Phát hụt thu từ lãi tiền gửi. Trong quý III, lãi từ tiền gửi chỉ đạt 256 tỷ đồng, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2023 và là mức thấp nhất kể từ quý I/2021 . Sau khi đạt đỉnh vào quý II/2023, nguồn thu từ hoạt động này của Hòa Phát liên tục có xu hướng bị thu hẹp.

Tương tự, chi phí lãi vay hàng quý cũng có xu hướng giảm dù dư nợ vay duy trì ở mức cao. Quý III vừa qua, Hòa Phát gánh 525 tỷ đồng chi phí lãi vay, giảm gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quá khứ, doanh nghiệp từng có thời điểm phải gánh hơn nghìn tỷ tiền lãi vay trong một quý, ghi nhận hồi quý II/2023.

Về kết quả kinh doanh quý III/2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thuần gần 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu luỹ kế 9 tháng đạt 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 75% kế hoạch đề ra.

9 tháng năm 2024, Hòa Phát sản xuất 6,4 triệu tấn thép thô, tăng 34% so với cùng kỳ 2023. Sản lượng bán hàng thép các loại (chưa bao gồm sản phẩm ống thép, tôn mạ) đạt 6,1 triệu tấn, tăng 32%.

Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đóng góp 3,3 triệu tấn, tăng 29%. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 2,27 triệu tấn và phôi thép đạt 505.000 tấn. Đối với các sản phẩm thép hạ nguồn, Ống thép đạt 503.000 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ 2023. Tôn Hòa Phát đạt sản lượng 344.000 tấn tăng 43% so với cùng kỳ, vượt số cả năm 2023 (329.000 tấn).

Sau khi trừ các chi phí, Hòa Phát lãi sau thuế 3.022 tỷ đồng trong quý III, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước . Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9 tháng đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ 2023 qua đó hoàn thành 92% kế hoạch đề ra.

MINH TRÍ