Trong danh sách này có tên CTCP Tập đoàn Asanzo vì nợ thuế hơn 52 tỷ đồng. Trước đó, hồi đầu năm Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TP.HCM - cũng quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Asanzo.
Đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng hơn một năm, Asanzo bị Cục Hải quan TP.HCM áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan. Hồi cuối năm 2022, Cục Hải quan TP.HCM đã dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp này do nợ hơn 47 tỷ đồng tiền thuế.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi cũng nằm trong danh sách nợ thuế của cơ quan chức năng đến hết tháng 4. Chẳng hạn, CTCP Phát triển và kinh doanh Nhà (HDTC) nợ hơn 330 tỷ đồng, CTCP Đầu tư xây dựng Địa ốc Trường Thịnh Phát nợ hơn 89 tỷ đồng, CTCP Bất động sản Khải Thịnh nợ hơn 37 tỷ đồng...
Theo Cục Thuế TP.HCM, tính đến hết ngày 31/3, tổng số tiền nợ thuế ước tính là hơn 53.000 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ thuế và phí ước tính là 12.330 tỷ đồng.
Phân tích từ cơ quan thuế cho thấy tiền thuế nợ tại thời điểm 31/3 trên địa bàn TP.HCM tăng chủ yếu do tăng tiền chậm nộp khi hệ thống tính lại tiền chậm nộp năm 2023 của các khoản nợ đã nộp trong năm (tăng 1.800 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, tài sản đều đã thế chấp ở ngân hàng, nên khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế cũng chưa thu hồi được nợ thuế; các khó khăn chung của thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nên nợ các khoản thu từ đất gia tăng.
Đó là chưa kể nợ gốc và tiền chậm nộp các khoản thu từ đất ở mức cao, kéo dài nhiều năm nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, cũng là nguyên nhân đẩy số nợ lên cao.
AN NHIÊN