Giải thích về nguyên nhân của sự chậm trễ nói trên, Saigon Glory cho biết do thị trường tài chính, thị trường giao dịch bất động sản diễn biến không thuận lợi, công ty chưa thể triển khai kế hoạch kinh doanh của dự án nên chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán gốc/lãi trái phiếu đúng hạn.
Công ty đã tổ chức Hội nghị người sở hữu trái phiếu để xin ý kiến điều chỉnh kỳ hạn trái phiếu, tuy nhiên tỷ lệ người tham dự không đủ tỷ số để tổ chức. Saigon Glory đã và đang phối hợp cùng các bên liên quan để thực hiện lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản phê duyệt phương án gia hạn trái phiếu.
Đây không phải là lô trái phiếu đầu tiên Saigon Glory không thanh toán đúng hẹn. Trước đó Saigon Glory công bố thông tin bất thường về việc thanh toán gốc các lô trái phiếu SGL-2020-01, SGL-2020-02, SGL-2020-03 và SGL-2020.05. Đây là 4 lô trái phiếu do Saigon Glory phát hành tháng 6/2020 và cùng đến ngày đáo hạn trong tháng 6, tháng 7/2023 - thời gian vào các ngày 12, 18, 22/6 và 10/7.
Như vậy cả 5 lô trái phiếu này đều đã quá hạn thanh toán gốc, và công ty vẫn chưa thu xếp được nguồn trả nợ.
Báo cáo tài chính cho thấy năm 2022 Saigon Glory lỗ 152 tỷ đồng. Nợ phải trả đang gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, lên 27.300 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,1 tỷ USD trong đó có 10.000 tỷ đồng nợ trái phiếu.
Trong số 10.000 tỷ đồng nợ trái phiếu có 5.000 tỷ đồng trái phiếu quá hạn đến tháng 7/2023 vừa qua.
Trong phương án tiếp theo, Saigon Glory đang đặt vấn đề thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc gia hạn trái phiếu. Trước đó Hội nghị trái chủ đã không thể diễn ra do tỷ lệ tham dự không đủ điều kiện tổ chức.
Vậy kịch bản nào sẽ xảy ra nếu trái chủ không đồng ý gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu?
Trước đó Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã lên tiếng yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu mua lại toàn bộ trái phiếu Saigon Glory, hoặc sẽ bị xử lý tài sản đảm bảo
Sài Gòn Glory được biết đến là chủ đầu tư Dự án The Spirit of Saigon – dự án có vị trí đắc địa tại khu tứ giác Bến Thành, có 4 mặt tiền là Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Calmette thuộc trung tâm quận 1, TP.HCM.
Dự án có diện tích đất 8.537m2, tổng diện tích sàn xây dựng 205.743m2. Dự án gồm 2 tòa tháp, tòa tháp A cao 55 tầng gồm các tầng văn phòng cho thuê ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên. Tháp B còn lại cao 48 tầng bao gồm các căn hộ, với dịch vụ cung cấp bởi khu khách sạn thông qua kết nối phần đế và tầng hầm.
Từ năm 2013 dự án được trao cho Bitexco, tuy vậy khó khăn tài chính khiến dự án phải tạm dừng, đã từng đổi chủ, qua tay một vài chủ đầu tư trước khi trở về với Bitexco.
Sài Gòn Glory được biết là công ty con do Tập đoàn Bitexco sở hữu 100% vốn điều lệ. Hậu thuẫn bởi Bitexco, Sài Gòn Glory có vốn điều lệ khá “khủng”, 7.000 tỷ đồng. Công ty do ông Trịnh Quang Công làm Tổng Giám đốc, ông Vũ Quang Bảo (em trai ông Vũ Quang Hội) là Chủ tịch Hội đồng thành viên.
Công ty mẹ Tập đoàn Bitexco thành lập năm 1993. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện tại Bitexco có vốn điều lệ 6.260 tỷ đồng, trong đó ông Vũ Quang Bảo nắm giữ 40% và ông Vũ Quang Hội nắm giữ 60% vốn.
Bitexco hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản, năng lượng, thương mại dịch vụ. Ở mảng năng lượng Bitexco đang đầu tư cả các dự án năng lượng mặt trời như Dự án Nhà máy điện mặt trời Nhị Hà. Ở lĩnh vực dầu khí, Bitexco chiếm 15% cổ phần trong liên doanh khai thác giàn khoan CTC1 mỏ Cá Tầm, lô 09/3-12 cùng với Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP).
Ở mảng bất động sản, những công trình Bitexco đã hoàn thành có thể kể đến như tòa nhà văn phòng Bitexco, Khu đô thị The Manor hà Nội, Khách sạn JW Mariott Hà Nội…Những dự án đang phát triển có Khu đô thị The Manor Central Park, Khu đô thị tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Khu đô thị Đông Bắc Sapa, The Spirit of Saigon...
MINH TRÍ