Tiêu dùng

Quỹ phát triển nhà ở xã hội sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách

Nghiên cứu cơ chế chính sách mới, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong phát triển quỹ nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ mà cơ quan quản lý nhà nước đang rốt ráo thực hiện.

Phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam còn hạn chế bởi nguồn cung eo hẹp so với nhu cầu thực tế đặt ra.

Nghiên cứu cơ chế chính sách mới, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong phát triển quỹ nhà ở xã hội là một trong những nhiệm vụ mà cơ quan quản lý nhà nước đang rốt ráo thực hiện.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Moon Hyogon, Giám đốc bộ phận nghiên cứu kế hoạch và quản lý, Viện Nghiên cứu nhà ở và đất đai Hàn Quốc (LHI) về những nội dung liên quan đến vấn đề này.

Ông Moon Hyogon cho rằng phải gia tăng việc  cung cấp nhà ở xã hội với mức giá phù hợp cho viên chức, nhân viên văn phòng và những người dân bình thường khác

- Bộ Xây dựng đã đề xuất dự án “Xây dựng một chính sách nhà ở xã hội toàn diện tại Việt Nam cho giai đoạn 2021-2030” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) nhằm khắc phục những khó khăn như nguồn vốn và nguồn cung eo hẹp so với nhu cầu thực tế. Theo ông, việc phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam cần tập trung cải thiện nội dung gì?

+ Ông Moon Hyogon: Mục tiêu của chúng tôi đối với dự án này là để thiết lập một hệ thống tài trợ có hiệu quả cho việc cung cấp nhà ở xã hội tại Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như hiện nay, khả năng ngày càng có nhiều người dân di chuyển tới các thành phố lớn của Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường lại chỉ tập trung vào các tòa nhà căn hộ đắt tiền. Do vậy, cần thiết phải gia tăng cung cấp nhà ở xã hội với mức giá phù hợp cho viên chức, nhân viên văn phòng và những người dân bình thường khác.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế như hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào hỗ trợ từ Chính phủ thì không thể cung cấp đủ nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là phân khúc thu nhập thấp và bình dân. Do đó, vấn đề đặt ra là cần xã hội hóa và có thể thực hiện bằng cách sử dụng tiền từ khu vực tư nhân trong cung cấp nhà ở.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhìn thấy lợi nhuận từ thu nhập hộ gia đình đang ngày càng cao hơn. Một số lượng nhất định của những khoản thu này nên được dùng để tăng quỹ phát triển và cung cấp hỗ trợ cho nhà ở xã hội. Việc hình thành một quỹ như vậy được kỳ vọng sẽ thực hiện việc quản lý thống nhất, có hệ thống về nhiều khía cạnh bao gồm nguồn lực tài chính, từ đó đạt được kết quả thành công.

- Một trong những “rào cản” mà Việt Nam đang gặp phải là tín dụng dành để phát triển nhà ở xã hội. Vậy ông có đề xuất và chia sẻ gì về vấn đề này?

+ Ông Moon Hyogon: Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội. Điển hình như gói hỗ trợ 3.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội đã góp phần tăng đáng kể nguồn cung, giúp người dân được cải thiện về chỗ ở.

Tôi rất ấn tượng khi Việt Nam có một chính sách khá hiếm là yêu cầu các nhà đầu tư triển khai nhà ở thương mại phải dành 20% đất hoặc tiền để phát triển nhà ở xã hội. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam rất quan tâm về nhà ở xã hội và đã định hướng một cách thỏa đáng về phương diện chính sách.

Tôi cho rằng khi đi vào thực hiện cụ thể, cần chính quyền trung ương phê chuẩn việc kiểm soát thông tin có hệ thống trong các hệ thống và chính sách hiện có. Ví dụ, chính quyền nên xác định đồng bộ các địa điểm và khu vực đất đai được cung cấp cho việc phát triển nhà ở thương mại, cụ thể về số lượng và được nộp tiền thay thế trong những trưởng hợp nào... Việc kiểm soát thông tin này cho phép các chính sách nhà ở xã hội được thực hiện một cách hiệu quả, công bằng và minh bạch.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyên thiết lập một quỹ được chỉ định để cung cấp nhà ở xã hội như ở Hàn Quốc.

Bởi Việt Nam đã thực hiện một số chính sách lớn đối với nhà ở xã hội nhưng không quản lý được theo một cách thức thống nhất.

Vì vậy, chính quyền trung ương cần thiết lập một quỹ nhà ở xã hội cho mục đích quản lý. Ban đầu, quỹ có thể thu tiền được cung cấp cho việc phát triển nhà ở thương mại và tiết kiệm nhà ở của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (VBSP).

Tiết kiệm nhà ở của VBSP có ít thành viên do các khuyến khích không đầy đủ và quy trình hội viên phức tạp. Do đó, cần phát triển một hệ thống đăng ký tương tự như của Hàn Quốc để giúp gia tăng số lượng thành viên bằng cách đưa ra các khuyến khích cho những người mua nhà ở mới và cấp khoản vay từ quỹ nhà ở xã hội để mua nhà. Đồng thời, yêu cầu phải xác định cụ thể số tiền tối thiểu gửi vào hàng tháng để tăng ngân quỹ theo một cách thức bất biến.

Tại Hàn Quốc, một người phải mở một tài khoản bao mua để mua một nhà mới và gửi ít nhất 20.000 won (khoảng hơn 400.000 VND) vào tài khoản mỗi tháng.

Ngoài các hệ thống hiện có, các biện pháp khác để thu tiền vào quỹ cũng rất cần thiết, chẳng hạn trái phiếu nhà ở hoặc xổ số nhà ở xã hội.

Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai một hệ thống cho phép sử dụng ngân quỹ từ khu vực tư nhân bằng việc yêu cầu những người được cấp phép khác nhau mua trái phiếu nhà ở quốc gia và khuyến khích những người mua nhà tiềm năng mở tài khoản bao mua.

Tiếp đó, tiền được thu từ trái phiếu nhà ở quốc gia và tài khoản bao mua không được quản lý bởi các nhà chức trách cá nhân, nhưng được yêu cầu tập hợp trong một quỹ hoạt động độc lập được gọi là Quỹ nhà ở quốc gia (NHF) và chỉ được dùng để triển khai nhà ở quốc gia, hỗ trợ cho việc mua và thuê nhà. Đây là một yếu tố thành công chính khác đối với việc cung cấp nhà ở.

- Với những kinh nghiệm đã thành công tại Hàn Quốc được chia sẻ và đóng góp vào dự án tại Việt Nam thì ông kỳ vọng ra sao về kết quả?

+ Ông Moon Hyogon: Hàn Quốc có một mối quan hệ kinh tế ở phạm vi rộng với Việt Nam và đang trở thành đối tác xã hội và kinh tế của Việt Nam. Điều đó nói lên rằng, một sự tăng trưởng kinh tế ổn định tại Việt Nam cũng có ý nghĩa to lớn đối với Hàn Quốc.

Từ kinh nghiệm thực tế của Hàn Quốc cho thấy, một trong các yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế bền vững trong một thời gian dài là đạt được sự ổn định về nơi ở cho người dân trong thời gian tăng trưởng nhanh.

Đơn cử như Hàn Quốc vẫn tăng trưởng kinh tế nhanh bất chấp suy thoái toàn thế giới do dịch COVID-19. Theo tôi, Việt Nam hiện cần tìm kiếm sự ổn định về nơi ở cho người dân để duy trì được đà tăng trưởng của mình.

Cũng phải thừa nhận, Hàn Quốc đã trải qua nhiều thử thách và sai lầm khi giải quyết các vấn đề xã hội trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế. Do đó, tôi mong dự án này sẽ giảm đến mức tối thiểu những thách thức đó và góp phần vào sự phát triển các chính sách nhà ở có hiệu quả tại Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng