Trước khi bị DKRA khởi kiện, Công ty TSB đã bị Sở Xây dựng Bình Thuận “tuýt còi” vì chưa đủ điều kiện hoạt động kinh doanh bất động sản.
Ngày 4.9.2019, Công ty cổ phần DKRA và công ty Cổ phần Trung Sơn Bắc (gọi tắt là TSB) có ký hợp đồng. Theo DKRA, Nam Group chiếm 90% cổ phần của TSB và là bên có quyền lợi và trách nhiệm liên quan. Ngoài ra, DKRA khẳng định ông Lê Minh Trí là đại diện pháp lý cho cả Nam Group và TSB.
Theo hợp đồng, DKRA là đơn vị phân phối tiếp thị độc quyền, tìm kiếm, tư vấn và giới thiệu khách hàng mua sản phẩm từ dự án Thanh Long bay với tổng số 1.000 căn hộ và 400 nhà phố do TSB làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện là 6 tháng (10.9.2019 đến 10.3.2020) được ghi trong điều 2.1.4 của Hợp đồng.
DKRA phải ký quỹ mà họ hiểu là đặt cọc số tiền 32 tỉ cho TSB (20 triệu/căn hộ x 1000 + 30 triệu/nhà phố x 400). Theo hợp đồng, sau 4 tháng (từ 10.9.2019-10.1.2020) mà DKRA không bán được một nửa giỏ hàng thì bên A có quyền hủy hợp đồng. Ngoài ra, tỷ lệ bán hàng thành công cũng ảnh hưởng đến việc hoàn trả tiền ký quỹ.
Cũng theo hợp đồng thể hiện ở Điều 2.3, khoản b cũng quy định bên TSB cam kết “Hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý Dự án, trong đó chậm nhất đến tháng 10.2019 Dự án có bản phê duyệt 1/500 và chậm nhất 20 ngày sau khi có văn bản phê duyệt 1/500, Dự án có giấy phép xây dựng để phục vụ tư vấn bán hàng”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Hợp đồng, TSB đã không thực hiện nghĩa vụ của bên A ghi tại Điều 2.3, khoản b trong Hợp đồng dẫn đến việc tiếp thị không đạt được hiệu quả như mong muốn. Tính đến thời điểm khởi kiện DKRA chỉ bán được 112 căn hộ (11,2% số lượng) và 3 nhà phố (0,75% số lượng). Ngày 11.1.2020, TSB viện dẫn Điều 7.4 Hợp đồng và thực tế bán hàng với số lượng nêu trên để chấm dứt hợp đồng với DKRA.
Trong đơn khởi kiện đề ngày 15.6.2020 của DKRA khởi kiện TSB, DKRA đã yêu cầu tòa án giải quyết 2 điểm: Thứ nhất, xác định việc chấm dứt hợp đồng mà 2 bên ký ngày 4.9.2019 do lỗi của TSB. Cụ thể là DKRA viện vào Điều 2.3, khoản b trong Hợp đồng.
Thứ hai, buộc TSB trả cho DKRA hơn 84 tỉ đồng, bao gồm thanh toán cho DKRA hơn 9 tỉ là phí dịch vụ đối với các sản phẩm đã giao dịch thành công, thanh toán cho DKRA hơn 1 tỉ là chi phí makerting mà TSB đồng ý chia sẻ, thanh toán cho DKRA hơn 10 tỉ là chi phí makerting và đặc biệt là hoàn trả cho DKRA 32 tỉ tiền kỹ quỹ và khoản tiền phạt tương đương là 32 tỉ.
Trên thực tế, cho đến ngày 22.1.2020, TSB mới có bản phê duyệt quy hoạch 1/500 và đến 18.9.2020 mới được cấp giấy phép xây dựng.
Liên quan tới vụ việc này, ngày 25.8.2020, TSB có đơn phản tố lại đơn kiện của DKRA.
TSB cho rằng, hợp đồng ghi rõ: “Bằng trách nhiệm của mình Bên A (Công ty TSB) cố gắng nỗ lực thực hiện Dự án theo tiến độ được quy định ở khoản b là hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý dự án, trong đó chậm nhất đến tháng 10/2019 dự án có bản phê duyệt 1/500 và chậm nhất 20 ngày sau khi có văn bản phê duyệt 1/500, dự án có giấy phép xây dựng để phục vụ tư vấn bán hàng”.
TSB căn cứ vào Điều 7.4 và thực tế DKRA chỉ bán được 112 căn hộ và 3 nhà phố để chấm dứt hợp đồng. Đồng thời TSB viện vào điều 5.2.1 để cho rằng họ chỉ cần hoàn tiền ký quỹ đối với 112 căn hộ và 3 nhà phố (112×20 triệu + 3×30 triệu = 2,33 tỉ đồng). TSB đòi tòa tuyên xử DKRA mất số tiền ký quỹ còn lại của phần 32 tỉ (32 – 2,33 = 29,67 tỉ). Ngoài ra, TSB còn đòi tòa buộc DKRA phải trả hơn 6 tỉ tiền tạm ứng trước đó.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Bình Thuận thì, căn cứ theo Luật Nhà ở 2005 thì hợp đồng mà hai bên đã ký với nhau là vô hiệu.
Khi liên hệ với các bên có liên quan để tìm hiểu vụ việc chúng tôi được biết vụ án vẫn đang được Tòa án thụ lý theo trình tự của pháp luật. Một nguồn tin của chúng tôi cho biết, sau một thời gian tranh tụng thì “hai bên đang tiến hành hòa giải”.