Cụ thể, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần lên đến gần 78.400 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ và là mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động. Trong khi đó, doanh thu thuần quý 4 của PV Oil dù thấp hơn 2 quý trước đó nhưng vẫn tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, đạt gần 24.700 tỷ đồng.
Cùng nguồn thu khổng lồ, Petrolimex và PV Oil cũng lần đầu ghi nhận lợi nhuận đồng pha tăng trưởng sau nhiều quý trái chiều. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng lại khác nhau. Petrolimex ghi nhận tăng trưởng cao ở cả hoạt động kinh doanh xăng dầu thuần túy và hoạt động tài chính giúp lợi nhuận ròng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt hơn 1.400 tỷ đồng trong quý 4/2022.
Mặt khác, lợi nhuận ròng quý 4/2022 của PV Oil tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ, đạt 294,8 tỷ đồng nhờ được hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức giảm hơn 16% so với cùng kỳ với nguyên nhân chủ yếu do các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Về hàng tốn kho, với Petrolimex, tồn kho đã tăng hơn 2.500 tỷ so với cuối quý 3 và đạt hơn 17.200 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022. Đáng chú ý, doanh nghiệp chỉ phải trích lập dự phòng gần 68 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 432 tỷ đồng cuối quý 3 và 1.300 tỷ đồng vào thời điểm 30/6.
Ngược lại, tồn kho của PV Oil tiếp tục giảm quý thứ 2 liên tiếp xuống còn 2.940 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Doanh nghiệp này cũng chỉ phải trích lập dự phòng giảm giá khoảng 21,5 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với con số hơn 150 tỷ đồng cuối quý trước.
Nhìn chung, tổng lượng tồn kho của hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex và PV Oil đã tăng trở lại lên mức trên 20.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Con số này tăng khoảng 2.000 tỷ so với cuối quý 3 trước đó nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức kỷ lục hơn 29.400 tỷ đồng ghi nhận tại thời điểm 31/3/2022.
LÊ TRÍ