Tiêu dùng

Novaland tăng trưởng về doanh thu nhưng hàng tồn kho tăng mạnh lên 51% tương đương 86.847 tỷ đồng, vay nợ tăng 10,1% tương đương 48.869 tỷ đồng, công ty đối diện với áp lực tài chính

Tập đoàn Novaland vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020. Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng dự án là 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, hàng tồn kho và nợ vay cũng tăng mạnh khiến tập đoàn đối diện với áp lực tài chính.

Theo đó, kết thúc năm 2020, Tập đoàn Novaland ghi nhận 3.884 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 6% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2020, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy doanh thu và lợi nhuận đều vượt kế hoạch nhưng báo cáo hợp nhất của Novaland cũng cho thấy tình hình tài chính của công ty có những vấn đề cần lưu ý.

Novaland tăng trưởng về doanh thu nhưng hàng tồn kho tăng mạnh lên 51% tương đương 86.847 tỷ đồng, vay nợ tăng 10,1% tương đương 48.869 tỷ đồng.

Theo đó, hàng tồn kho tăng mạnh ghi nhận mức 86.847 tỷ đồng tăng 51,8% so với thời điểm 31/12/2019 và tăng 9,4% so với cuối tháng 9/2020.

Giải thích về vấn đề này, báo cáo tài chính thuyết minh lý do là: từ hoạt động M&A gia tăng quỹ đất và các chi phí phát triển các dự án lớn như Aqua City, The Grand Manhattan, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne và NovaBeach Cam Ranh.

Một điểm cần lưu ý khác trong báo cáo tài chính của Novaland là dư nợ tăng mạnh. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2020, tổng nợ vay và nợ thuê tài chính của Tập đoàn ghi nhận 48.869 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối Quý 3/2020. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 29,7% tổng dư nợ vay, ghi nhận 14.512 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn ghi nhận 34.357 tỷ đồng.

Năm 2020, Novaland cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động M&A khi giải ngân khoảng 30.512 tỷ đồng vào việc mua và chuyển nhượng các dự án.

Trong số lợi nhuận ghi nhận của Novaland trong năm 2020 không đến chủ yếu từ hoạt động bán hàng mà đến từ hoạt động tài chính.

Thống kê tại thời điểm 31/12/2020, doanh thu hoạt động tài chính đạt 6.210 tỷ đồng, trong đó ghi nhận khoản lợi nhuận đến từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần mà Novaland sở hữu tại các công ty dự án trong năm 2020 là 3.358 tỷ đồng. Ngoài ra, Novaland thu lợi nhuận từ việc đánh giá lại khoản đầu tư ở các công ty con sau khi hoàn tất sáp nhập vào Tập đoàn trong kỳ báo cáo đạt 2.384 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo tài chính quý IV của Novaland cho thấy tổng tài sản tập đoàn này tăng mạnh. Tại ngày 31/12/2020 đạt 144.519 tỷ đồng, tăng 60,6% so với cuối năm 20219.

Chủ tịch Tập đoàn Novaland từng có đơn kêu cứu gửi Bộ Xây dựng cho biết công ty đang mất thanh khoản và đã kiệt sức để khẳng định sức khỏe tài chính của Novaland là có vấn đề.

Tình hình nợ vay, gánh nặng về tài chính của Novaland đã từng được vị chủ tịch công ty này khẳng định trong đơn kêu cứu gửi Bộ Xây dựng vào năm 2019. Trong đơn ông Nhơn xác nhận: “Hiện Novaland đã kiệt sức, cần Đảng và Nhà nước hỗ trợ vì đang bị mất tính thanh khoản”.

Trước đó, vào báo cáo quý III/2020 cũng cho thấy: doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của Novaland giảm hơn 60% so với 9 tháng năm 2019, đạt mức 3.803 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 49%, ở mức 1.379 tỷ đồng.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Phú Hưng, Novaland luôn duy trì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức cao, bao gồm cả nợ vay dài hạn và nợ vay ngắn hạn. Chỉ số nợ trên trên vốn chủ sở hữu khoảng 1,41 lần (năm 2019) cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ nợ của trung bình ngành. Bên cạnh đó, trong tổng số nợ vay của Novaland có đến 56% nợ vay bằng USD, nên khi tỷ giá USD/VND tăng lên sẽ làm tăng chi phí tài chính cho Novanland.

Nhìn vào bức tranh tài chính của Novaland cho thấy, áp lực nợ vay vẫn đang là một vấn đề của tập đoàn bất động sản này.

MINH TRÍ