Tiêu dùng

Ngân hàng VIB của đại gia Đặng Khắc Vỹ giảm sở hữu của khối ngoại từ 30% xuống dưới 5%

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam - VIB (HoSE: VIB) vừa công bố nghị quyết phiên họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2024. Trong đó, cổ đông ngân hàng này đã thông qua đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) xuống 4,99%.

vib-von-1718329054.jpg

Ngân hàng VIB giảm sở hữu của khối ngoại từ 30% xuống dưới 5%.

Điều lệ mới được thông qua vào ngày 11/6 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7. Kể từ ngày điều lệ mới có hiệu lực, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông nước ngoài tại VIB vượt 4,99% vốn điều lệ được tiếp tục duy trì.

Trường hợp room ngoại vượt trần 4,99%, cổ đông nước ngoài sẽ chỉ được phép bán ra cổ phần, cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phần hoặc mua cổ phần trong đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hoặc do VIB mua lại cổ phần theo quy định.

Trước đó, điều lệ của VIB quy định room ngoại là 30%. Theo dữ liệu của Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD), room ngoại của ngân hàng tính đến ngày 12/6 là 20,5%, tương ứng nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tối đa 520 triệu cổ phiếu. Hiện VIB đang kín room ngoại.

Đại hội bất thường vừa qua của VIB đồng thời thông qua các nội dung về quy chế nội bộ, quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT, ban kiểm soát, sửa đổi nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên và một số ủy quyền cho HĐQT.

Trong phần thảo luận, các cổ đông cũng đặt câu hỏi về lộ trình thoái vốn của cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) và việc VIB giới hạn room ngoại ở mức 4,99% có ảnh hưởng tới việc thoái vốn hay không.

Biên bản họp của nhà băng này không nêu cụ thể câu trả lời mà chỉ cho biết Đoàn chủ tịch đã trả lời đầy đủ và thỏa đáng các câu hỏi của cổ đông.

Được biết, Commonwealth Bank of Australia hiện là cổ đông chiến lược của VIB, sở hữu hơn 500 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% vốn của ngân hàng. 3 cổ đông cá nhân là ông Đỗ Xuân Hoàng, ông Đặng Khắc Vỹ, bà Trần Thị Thảo Hiền và CTCP Fundera đều nắm giữ trên 4% vốn của VIB.

Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I đầu năm, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu quý này tăng lên 2,4% so với mức 2,2% của quý cuối năm ngoái. Ngân hàng đã chủ động gia tăng bộ đệm dự phòng với mức trích lập dự phòng rủi ro gần 950 tỷ, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.

Hết quý I, VIB lãi hơn 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ngân hàng tiếp tục duy trì hiệu quả sinh lời ROE ở mức 24%, trong top đầu ngành.

Năm 2024, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 20%, đạt 492.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Dư nợ tín dụng tăng 20%, đạt 320.600 tỷ đồng.

HOÀNG THỊNH