Tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước: Hơn 115.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế trong 1 tuần, dư nợ toàn hệ thống sắp vượt 16 triệu tỷ đồng

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ trong vòng 1 tuần (12/3 -20/3), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,74%, tương đương quy mô hơn 115.000 tỷ đồng.

Ngày 1/4/2025, NHNN tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực 12 (Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh).

nhnn-bomtien-1743557948.png

Tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 15.926.877 tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024.

Theo số liệu được NHNN công bố tại Hội nghị, tính đến ngày 20/3/2025, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 15.926.877 tỷ đồng, tăng 1,98% so với cuối năm 2024 (tăng 17,60% so với cùng kỳ năm 2024).

Trước đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 12/3 đạt 1,24% so với cuối năm 2024. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm 0,74%, tương đương quy mô hơn 115.000 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng trên, nhiều khả năng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế sẽ vượt mức 16 triệu tỷ ngay trong quý I/2025 hoặc đầu quý II/2025.

Chia sẻ tại Hội nghị về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, bà Nguyễn Linh Phương - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, ngay từ đầu năm NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025. Chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất huy động để giữ vững ổn định lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, tính đến ngày 20/3, lãi suất cho vay bình quân của các tổ chức tín dụng giảm 0,4% so với cuối năm 2024.

Trước đó, từ năm 2023 đến nay, sau khi NHNN hạ lãi suất điều hành, ngành Ngân hàng liên tục giữ vững ổn định lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

"Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến nay mới đạt 2% nên dư địa tăng trưởng tín dụng tới đây còn rất lớn" - bà Phương cho biết thêm.

Trước đó, ngay từ ngày 30/12/2024, NHNN đã có Văn bản gửi các TCTD thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện, cung ứng vốn ra nền kinh tế ngay từ đầu năm. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, thông báo cho nhóm ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2025. 

Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bảo đảm chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh; tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Từ đầu năm 2025 đến nay, NHNN đã ban hành 10 Văn bản chỉ đạo và 01 Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành tín dụng, lãi suất. Ngày 26/02/2026, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 19/CĐ-TTg, NHNN đã tổ chức ngay buổi làm việc với các NHTM về việc thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sẵn sàng chia sẻ một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. 

Đồng thời tiếp tục có Văn bản số 1328/NHNN-CSTT ngày 25/02/2025 để chỉ đạo các TCTD về việc ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

AN NHIÊN