Năm 2020 đầy biến động đã khép lại với TTCK Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn bứt phá ngoạn mục và kết thúc năm tại 1.103,87 điểm, tương ứng mức tăng gần 15% so với năm trước.
Trong năm qua, giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ bán ròng xấp xỉ 16.000 tỷ đồng trên sàn HoSE. Dù vậy, điểm tích cực là dòng vốn từ các quỹ ETFs đổ mạnh vào thị trường lên tới hàng trăm triệu USD phần nào giúp cân bằng áp lực bán ròng của khối ngoại.
140 triệu USD đổ vào các quỹ ETFs trong tháng cuối năm
Dòng vốn ETFs đổ vào thị trường Việt Nam có xu hướng mạnh lên trong giai đoạn cuối năm. Tính riêng trong tháng 12, lượng vốn đổ vào các quỹ ETFs lên tới 140 triệu USD và phần lớn đến từ quỹ VFMVN Diamond ETF và FTSE Vietnam ETF.
Trong đó, VFMVN Diamond ETF đã hút ròng 77,3 triệu USD (~1.800 tỷ đồng) trong tháng 12. Lượng vốn đổ vào VFMVN Diamond ETF thời gian gần đây có vai trò không nhỏ từ những quỹ ngoại hàng đầu thị trường như Dragon Capital hay Pyn Elite Fund.
Hiện tại, VFMVN Diamond ETF là một trong mười khoản đầu tư lớn nhất của Pyn Elite Fund với giá trị ước tính khoảng 35 triệu USD (khoảng 820 tỷ đồng). Trong khi đó, CTBC Vietnam Equity Fund, quỹ đầu tư đến từ Đài Loan do Dragon Capital quản lý dù mới được thành lập nhưng cũng liên tục mua chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF. Hiện tại, CTBC Vietnam Equity Fund đang nắm giữ 27 triệu chứng chỉ quỹ VFMVN Diamond ETF, tương ứng giá trị 460 tỷ đồng và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ dừng mua.
Quỹ ETF ngoại FTSE Vietnam ETF sau giai đoạn rút vốn mạnh đầu năm cũng đang hút vốn trở lại trong giai đoạn gần đây. Trong tháng 12, lượng vốn đổ vào FTSE Vietnam ETF lên tới xấp xỉ 60 triệu USD (~1.400 tỷ đồng). Hiện tại, FTSE Vietnam ETF phân bổ 100% vào cổ phiếu Việt Nam.
Một quỹ ETF ngoại khác là Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cũng hút ròng 6,7 triệu USD trong tháng 12. Ngoài ra, một số quỹ như Premia MSCI Vietnam ETF, SSIAM VNFinLead ETF cũng hút vốn trở lại, dù giá trị không quá lớn.
Tính chung trong tháng 12, các quỹ ETFs hiện diện trên TTCK Việt Nam đã hút ròng xấp xỉ 140 triệu USD (~3.200 tỷ đồng) và đây là yếu tố tích cực góp phần giúp VN-Index vượt mốc 1.100 điểm.
Các quỹ ETFs mua ròng 235 triệu USD trên TTCK Việt Nam năm 2020
Năm 2020 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt quỹ ETFs nội, dựa trên các bộ chỉ số mới do HoSE cung cấp. Các quỹ ETFs này đã hút vốn khá mạnh và là điểm tựa cho thị trường trong những thời khắc khó khăn nhất.
VFMVN Diamond ETF xứng đáng là "kim cương" trong năm qua khi hút ròng 180 triệu USD ngay trong năm đầu tiên thành lập. Tương tự, SSIAM VNFinLead ETF cũng có khởi đầu khá thuận lợi khi hút ròng 30,4 triệu USD ngay trong năm đầu tiên thành lập.
MAMF VN30 ETF do Mirae Asset quản lý mới niêm yết trong giai đoạn cuối năm nhưng cũng hút được gần 8 triệu USD. Theo lãnh đạo Mirae Asset, trong khoảng 1 năm sau khi thành lập, quỹ sẽ tăng quy mô lên khoảng 2.000 tỷ đồng (~100 triệu USD) khi dòng vốn Hàn Quốc đang muốn đổ mạnh vào thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, các quỹ mới khác như SSIAM VN30 ETF, VinaCapital VNX100 ETF không thực sự thành công trong việc hút vốn những tháng qua. Điều này có thể do sự cạnh tranh giữa các quỹ ETF VN30 là khá lớn khi đã có sự hiện diện của VFM và Mirae Asset. Với VinaCapital, danh mục quỹ VNX100 ETF là khá dàn trải và đây có thể là yếu tố khó thu hút nhà đầu tư.
Với các quỹ ETF ngoại, FTSE Vietnam ETF là cái tên đáng chú ý nhất khi đã hút vốn mạnh trong tháng cuối năm, qua đó đưa lượng vốn lũy kế năm 2020 đổ vào quỹ lên hơn 50 triệu USD.
VNM ETF dù hút vốn tích cực trong giai đoạn cuối năm nhưng tính chung cả năm vẫn bị rút ròng gần 12 triệu USD. Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục VNM ETF khoảng 64,3%, do đó ước tính quỹ đã bán ròng khoảng 7,5 triệu USD trên TTCK Việt Nam năm qua.
Các quỹ ETF đầu tư vào khu vực cận biên như iShare MSCI Frontier 100 ETF, S&P Select Frontier ETF cũng bị rút vốn mạnh trong năm qua với tổng giá trị 65 triệu USD. Tuy vậy, do đầu tư vào nhiều thị trường nên ước tính 2 quỹ ETF trên chỉ bán ròng khoảng 10 triệu USD trên TTCK Việt Nam năm qua.
Tính chung trong năm 2020, các quỹ ETFs trên TTCK Việt Nam vẫn hút ròng 176 triệu USD, trong đó lượng giải ngân vào Việt Nam lên tới 235 triệu USD (~5.500 tỷ đồng).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia chứng khoán, việc suy yếu của đồng USD được kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn ngoại trở lại khu vực Emerging Markets, Frontier Markets và trong đó Việt Nam được coi là điểm sáng hút vốn nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 cùng nền tảng vĩ mô vững chắc. Bên cạnh đó, số liệu thống kê quá khứ cho thấy giai đoạn cuối quý 4, nửa đầu quý 1 là thời điểm dòng vốn ETFs đổ mạnh vào TTCK Việt Nam. Do đó, thị trường được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại trở lại mạnh hơn trong những tháng tới.