Theo đó, MB cho biết tại thời điểm chuyển giao, OceanBank đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về quy mô hoạt động, vốn điều lệ đăng ký, giá trị thực vốn điều lệ và các quỹ dự trữ.

MB đã thực hiện các bước tái cấu trúc OceanBank như đổi tên thành MBV, điều chỉnh điều lệ và giấy phép hoạt động, đồng thời kiện toàn bộ máy quản trị.
Ngân hàng này sở hữu tổng tài sản 39.815 tỷ đồng, dư nợ cho vay khách hàng đạt 32.936 tỷ đồng, huy động vốn 44.605 tỷ đồng và lỗ lũy kế khoảng 19.628 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động gồm 101 điểm giao dịch tại 19 tỉnh, thành trên cả nước.
Sau tiếp nhận, MB đã thực hiện các bước tái cấu trúc như đổi tên ngân hàng thành MBV, điều chỉnh điều lệ và giấy phép hoạt động, đồng thời kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm ổn định hoạt động.
Tính đến ngày 31/12/2024, MBV ghi nhận tổng tài sản tăng 16% lên 46.232 tỷ đồng; dư nợ cho vay khách hàng đạt 34.795 tỷ đồng (+6%); huy động vốn đạt 46.958 tỷ đồng (+5%). Đặc biệt, lỗ lũy kế của ngân hàng này đã giảm xuống còn 15.688 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 4.000 tỷ đồng so với thời điểm chuyển giao.
Vào ngày 17/10/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định chuyển giao bắt buộc OceanBank cho MB. Như vậy chỉ sau chưa đầy 3 tháng, tình hình hoạt động và lỗ lũy kế của nhà băng này đã được cải thiện đáng kể.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần nhất, lãnh đạo MB cho biết để giúp vực dậy MBV, ngân hàng mẹ đã đưa nhân sự sang MBV, đồng thời bán dư nợ sinh lời qua cho ngân hàng con và MBV được dùng dư nợ đó để vay Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khoản tiền tương đối lớn với lãi suất 0%, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho ngân hàng tái cơ cấu.
Lãnh đạo MB khẳng định việc bán dư nợ cho MBV không làm ảnh hưởng đến tài sản sinh lời của ngân hàng mẹ. Ngoài ra, MB đã cử gần 80 nhân sự có chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm, để bổ sung cho MBV, sắp xếp và đào tạo đội ngũ nhân sự ngân hàng con về nghiệp vụ, kỹ năng đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Tại phiên họp cổ đông sắp tới, MB cũng đặt kế hoạch tăng trưởng tham vọng cho năm 2025 với tổng tài sản đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cuối năm 2024. Huy động vốn và tín dụng dự kiến tăng lần lượt 23% và 24%, tùy thuộc hạn mức cấp tín dụng từ NHNN.
Về lợi nhuận, MB đặt mục tiêu đạt 31.712 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, tăng 10% so với kết quả năm 2024. Các chỉ tiêu tài chính khác bao gồm tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,7%; CAR tối thiểu 9% theo chuẩn Basel II; ROE dao động từ 20-22%; ROA xấp xỉ 2% và CIR giữ dưới 30%.
Về phương án tăng vốn điều lệ, trong năm 2025, MB dự kiến nâng vốn điều lệ thêm tối đa gần 20.346 tỷ đồng.
Cụ thể, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện phần còn lại của phương án tăng vốn đã được thông qua từ năm 2024 với giá trị 620 tỷ đồng, đồng thời triển khai kế hoạch tăng vốn mới trong năm 2025 thông qua phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 32%, tương đương gần 19.726 tỷ đồng. Nếu hoàn tất cả hai phương án, vốn điều lệ của MB sẽ tăng lên 81.368 tỷ đồng.
Bên đó, MB cũng dự kiến chi 1.831 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3% trong năm nay.
HOÀNG THỊNH