Tiêu dùng

Lãi Saigonbank èo uột, cổ phiếu giảm sâu

Mã SGB của Saigonbank giảm gần 48,5% kể từ khi lên sàn, lợi nhuận quý I/2021 cũng khá mỏng do nguồn thu chính sa sút.

Thời gian gần đây, hầu hết cổ phiếu ngân hàng không ngừng bay cao thì SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) lại giao dịch khá èo uột, thậm chí giảm sâu nếu so với hồi mới lên sàn. Mã SGB hiện đang giao dịch quanh mốc 13.300 đồng/cổ phiếu, thanh khoản chỉ xấp xỉ 48.448 đơn vị/ngày.

Cổ phiếu SGB giảm sâu từ khi lên sàn. Ảnh: SGB

Theo diễn biến thị trường, có thể thấy giá cổ phiếu SGB liên tục giảm mạnh từ khi niêm yết. Cụ thể, mã SGB của Saigonbank lên sàn UPCoM từ 15/10/2020 với giá tham chiếu 25.800 đồng/cổ phiếu. Tuy vậy, ngay trong ngày giao dịch đầu tiên, mã SGB đã lao dốc không phanh về ngưỡng 15.500 đồng/cổ phiếu. Tính chung từ khi niêm yết, cổ phiếu Saigonbank giảm trên 48%.

Trong khi giá cổ phiếu SGB sa sút thì kết quả kinh doanh của nhà băng này cũng không mấy khả quan. Báo cáo tài chính vừa công bố cho thấy quý I/2021, Saigonbank đạt lợi nhuận sau thuế gần 54 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động đều sụt giảm. Trong đó nguồn thu chính giảm đến 6% so cùng kỳ, chỉ còn hơn 143 tỷ đồng thu nhập lãi thuần; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 8%, ghi nhận mức 6,8 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I, tổng tài sản của Saigonbank giảm 6% so với đầu năm, chỉ còn hơn 22.461 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác giảm 12%, cho vay giảm 88%, cho vay khách hàng giảm 3%. Tiền gửi khách hàng cũng giảm 2% ghi nhận 17.880 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu Saigonbank tăng 6% so với đầu năm, lên mức 235 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất 47%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng 1,44%, lên mức 1,58%.

Quý IV/2020, Saigonbank cũng nằm trong số ít nhà băng báo lỗ. Theo đó, quý cuối năm, SGB lỗ ròng hơn 48 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2019. Kết quả này khiến lợi nhuận sau thuế cả năm của nhà băng chỉ đạt hơn 97 tỷ đồng, thấp hơn 33% so với năm trước.

Saigonbank thành lập năm 1987 với vốn điều lệ 650 triệu đồng, mục tiêu cơ bản là thu hút tiền gửi với lãi suất thích hợp và cho các doanh nghiệp vay tiền mặt đáp ứng yêu cầu phát triển, ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội tại TP.HCM.

Hoà Bình