Tham dự lễ trao giải thưởng có ông Trần Tuấn Anh - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; ông Nguyễn Anh Tuấn - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
Được biết, năm 2021, Giải thưởng “Sao vàng đất Việt” có 294 doanh nghiệp trong cả nước đăng ký tham gia. Sau 3 vòng bình chọn, hội đồng đã chọn ra những doanh nghiệp xuất sắc nhất để trao Top 10, Top 100, Top 200.
Trong đó, top 10, nhóm được vinh danh cao nhất bao gồm: Hưng Thịnh, Sacombank, KSB – BIMICO, FPT, Thiên Long, Việt Tiến, VINACONEX, Viettel Post, ATAD và Minh Phú Seafood.
Theo đó, các doanh nghiệp trong top 10 Sao vàng đất Việt năm nay đã có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Cụ thể, 10 doanh nghiệp trong top 10 đã đạt doanh thu hơn 554.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 9.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 107.000 lao động trong năm qua.
KSB đảm bảo các mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững
Dù khó khăn bởi đại dịch Covid-19 kéo dài nhưng KSB vẫn đạt được kết quả doanh thu và lợi nhuận khả quan trong năm 2021.
“Năm 2021, Công ty đạt doanh thu thuần hơn 884 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 252,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.787 tỷ đồng. Công ty đảm bảo hài hòa lợi ích các bên như người lao động, cổ đông, khách hàng và các đối tác.”, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) chia sẻ.
Theo đó, KSB tiến hành rà soát đối tác, khách hàng bị ảnh hưởng lớn từ Covid-19 để có chính sách hỗ trợ như: giảm giá, giãn nợ, chiết khấu… với phương châm chia sẻ khó khăn, “cộng đồng trách nhiệm” như mục tiêu công ty đề ra là: phát triển bền vững.
Về định hướng phát triển của năm 2022, khi Chính phủ tập trung đẩy mạnh đầu tư công là một lợi thế cho KSB và công ty tận dụng triệt để những lợi thế này để phát triển.
Theo đó, với việc KSB đang sở hữu nhiều mỏ đá trữ lượng lớn như: mỏ Tân Mỹ, Phước Vĩnh tại Bình Dương, mỏ Thiện Tân 7 tại Đồng Nai… Vị trí các mỏ đá này đều nằm gần các dự án cao tốc và chất lượng sản phẩm tốt. Công ty nhận thấy ngành khai thác vật liệu xây dựng lại tiếp tục được kỳ vọng cao trong thời gian tới nhờ đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các công trình cầu đường, xây dựng hạ tầng và thị trường miền Nam phục hồi sau dịch.
Để cụ thể hóa những lợi thế đó, ông Đạt cho biết: “Công ty đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cấp phép Mỏ Tam Lập giai đoạn I, dự kiến hoàn thành cấp phép khai thác trong quý III. Công ty tiếp tục đưa vào quy hoạch xuống sâu mỏ đá Tân Mỹ, mở rộng xuống sâu mỏ đá Phước Vĩnh. Bên cạnh đó, tiếp tục đến bù mở rộng mỏ Thiện Tân 7 tại Đồng Nai để đón đầu các dự án đầu tư công trong thời gian tới.”
Ngoài ra, KSB đang đàm phán gia tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Xây dựng và Sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB), doanh nghiệp đang sở hữu nhiều mỏ đá có trữ lượng lớn và tốt nhất khu vực Đông Nam Bộ. Hiện tại, KSB đang sở hữu cả trực tiếp và gián tiếp VLB với tỷ lệ 41% và sẽ gia tăng tỷ lệ trong thời gian tới.
Một trong những mảng đầu tư khác của công ty chính là Khu công nghiệp. Theo đó, Khu công nghiệp Đất Cuốc đã được lấp đầy. Hiện tại, công ty đang mở rộng giai đoạn 2 với việc mở rộng khu công nghiệp này lên đến 553 ha.
“KSB cũng đang xúc tiến đầu tư các KCN mới tại Đồng Nai, Bình Dương để gia tăng quỹ đất kinh doanh cho những năm tiếp theo. Cùng với sản xuất vật liệu xây dựng, chúng tôi xác định bất động sản công nghiệp sẽ là một trong hai trụ cột mang lại doanh thu lớn và bền vững trong những năm tới cho KSB.”, ông Đạt cho biết thêm.
MINH TRÍ