Tiêu dùng

KSB đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa, tiếp tục sẽ gia tăng tỷ lệ khi cổ đông nhà nước thoái vốn

Hôm 20/4/2021, CTCP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) đã tiến hành đại hội cổ đông thường niên thông qua một số nội dung quan trọng của công ty và trình đại hội kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Một nội dung quan trọng được ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT KSB cho biết, hiện KSB đã nâng tỷ lệ sở hữu vốn tại CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB) cả gián tiếp và trực tiếp. Còn cổ đông nhà nước sở hữu vốn và đang trình phương án thoái vốn trong năm nay.

Ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT KSB phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên hôm 20/04/2021.

Ông Đạt cho biết, trong 2 năm gần đây, cổ phần hóa DNNN thực hiện chậm, không chỉ tại doanh nghiệp này. Hiện thủ tục khá lâu, có thêm các khoản đánh giá khá mất thời gian. Khi cổ đông Nhà nước thoái vốn, KSB sẽ tham gia để nâng tỷ lệ chi phối tại VLB.

Năm 2021, KSB đặt kế hoạch doanh thu 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng, giảm gần 15% so với năm 2020. Sản lượng tiêu thụ dự kiến hơn 3,66 triệu m3 đá xây dựng, giảm 13%, các sản phẩm về sét, gạch ngói, cao lanh, cống bê tông và mảng cho thuê KCN tương đương năm 2020.

Theo ông Đạt, kế hoạch kinh doanh có phần sụt giảm so với năm trước do mỏ Tân Đông Hiệp vốn đóng góp lớn vào doanh thu Công ty, sẽ không còn đóng góp trong năm 2021. Mặc dù KSB đã đẩy mạnh khai thác, tăng sản lượng ở các mỏ Tân Mỹ, Phước Vĩnh…nhưng trong ngắn hạn không thể đạt ngay sản lượng kỳ vọng để bù đắp đủ cho mỏ Tân Đông Hiệp.

Bên cạnh đó, một số mỏ mới cũng chưa đi vào khai thác đúng như kế hoạch. Nếu năm 2021, KSB hoàn thiện được các thủ tục, quy trình về mặt pháp lý của các mỏ này, thì sẽ tăng được sản lượng cũng như con số kinh doanh tốt hơn.

HĐQT KSB cũng có chủ trương chuyển nhượng mỏ đá ở Nghệ An và mỏ ở Gò Trường, Thanh Hóa để thu hồi vốn về.

Ông Đạt cho biết, mục tiêu của KSB trong năm 2021 là đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cấp phép Mỏ Tam Lập giai đoạn 1. Công ty đang thực hiện giấy phép thăm dò, thiết kế kỹ thuật ĐTM và giấy phép khai thác. Dự kiến hoàn thành cấp phép khai thác trong quý III/2021.

Đối với mỏ này, lãnh đạo KSB chia sẻ, trước đây, nhờ quyết liệt trong việc đẩy mạnh đền bù nên đã đền bù chi phí đất đai ở mức hợp lý so với bây giờ. Dự tính, thoảng 3,5 năm là hoàn vốn đầu tư.

Đồng thời, đối với mỏ Tân Mỹ trong quý II/2021 sẽ hoàn thiện đề tài xuống sâu cote -150m và đưa vào quy hoạch thăm dò khai thác.

Bên cạnh đó, ông Đạt chia sẻ, Công ty đã phối với Trường Đại Học Mỏ Địa chất lập thiết kế cơ sở, làm đề tài khoa học đánh giá ảnh hưởng trong và sau khi khai thác xuống sâu cote -100 đối với mỏ Phước Vĩnh trong quý III/2021.

Với mỏ Thiện Tân 7, KSB tiếp tục đền bù để mở rộng hiện trường khai thác; hoàn thành cấp phép giấy phép khai thác sét Bố Lá 33,4ha. Và KSB đang xin chủ trương đầu tư mỏ mới tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai nhằm phục vụ phát triển của Công ty.

Năm 2021, KSB đặt kế hoạch doanh thu 1.406 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng, giảm gần 15% so với kế hoạch thực hiện năm 2020.

Đối với mảng bất động sản khu công nghiệp, hiện KSB đang đầu tư Khu công nghiệp Đất Cuốc giai đoạn 2, đặt mục tiêu hoàn thành thủ tục hồ sơ quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Đất Cuốc lên 553 ha. Đẩy nhanh công tác đền bù, xây dựng hạ tầng nhằm phấn đấu có đất thương phẩm trong năm 2021.

Giá cho thuê tăng khá tốt từ năm 2019, nhất là các vị trí tốt ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu. Ông Đạt cho biết, ở Khu công nghiệp Đất Cuốc cũng vậy, giá cho thuê bình quân 90 USD. Dự kiến thời gian tới vẫn tăng giá tùy vị trí do quỹ đất Khu công nghiệp có giới hạn (thủ tục phê duyệt chặt chẽ hơn và công tác đền bù kéo dài).

Hiện trên báo cáo tài chính 2020 của KSB có khoản mục phải trả khác 813 tỷ đồng - là khoản đặt cọc cho thuê đất khu công nghiệp. Ông Đạt chia sẻ thêm với cổ đông, đây là các hợp đồng chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu 1 lần (điều kiện gồm: nhận tiền trên 90%, bàn giao đất trong vòng 2 tháng).

Trả lời cổ đông về kế hoạch phát triển 5 năm tới, ông Đạt cho biết, Công ty thực hiện liên tục và thường xuyên việc mở rộng các mỏ đá Tân Lập, Tân Mỹ, Phước Vĩnh, Bố Lá. Đồng thời tìm kiếm đầu tư vào công ty cùng ngành, mở rộng khu công nghiệp cũng như đầu tư khu công nghiệp mới.

“Các công việc này mất thời gian dài chứ không chỉ 3 - 6 tháng là xong, cần chờ quy hoạch chung của tỉnh, sau đó Công ty mới xin mở rộng khai thác. Nếu các kế hoạch được thông qua thì quy mô, trữ lượng tăng lên nhiều lần”, Chủ tịch KSB nói.

Về lo ngại của cổ đông với động thái siết chặt khai thác mở ở một số địa phương, lãnh đạo KSB cho biết, một số khu vực có phương pháp khai thác không an toàn nên bị siết chặt.

“Với phương pháp khai thác của KSB bài bản, khoa học, đúng thiết kế được phê duyệt nên không ảnh hưởng. Hiện xu hướng là hạn chế mở rộng và ưu tiên khai thác xuống sâu, theo đó không ảnh hưởng quy mô việc đô thị hóa, tiết kiệm tài nguyên. Điều này phù hợp với xu hướng của KSB khi Công ty đang xin khai thác sâu ở nhiều mỏ”, Chủ tịch KSB giải đáp.

ĐHCĐ KSB cũng thông qua kế hoạch phát hành thêm gần 9,7 triệu cổ phiếu, trong đó 6,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ thực hiện quyền 10:1, và phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, số cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 24 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

ĐHCĐ cũng tiến hành miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với ông Dương Ngọc Hải và ông Trần Ngọc Đính có đơn từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị vào ngày 30/3/2021. Đồng thời, HĐQT KSB có tờ trình giảm số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022 từ 7 thành viên còn 5 thành viên như hiện tại.

Chia sẻ tại đại hội về kết quả kinh doanh quý I/2021, ông Đạt cho biết, tổng doanh thu ước đạt 259 tỷ đồng, bằng 85%; lợi nhuận 65 tỷ đồng, nhỉnh hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

TRỌNG NGHĨA