Mới đây, Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC) đã công bố bổ sung danh sách ứng viên bầu Thành viên Hội đồng quản trị, trước thời điểm IDICO tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường (ngày 12/10) nhằm thông qua việc miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021.
Theo đó, nhóm cổ đông sở hữu 10,19%, tương ứng 30,5 triệu số cổ phần nắm giữ đã đề cử ông Nguyễn Duy - sinh năm 1989, tham gia vào HĐQT IDC nhiệm kỳ sắp tới.
Trong thời gian qua, tình hình "nội các" của IDC có nhiều biến động, đơn cử là việc cổ đông chiến lược - Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco đã thoái toàn bộ 22,5% vốn vào cuối tháng 5. Đây có thể là thời điểm "nhóm cổ đông" nói trên xuất hiện tại IDICO.
“Hậu duệ” đời thứ 3 nhà Sơn Kova
Nguyễn Duy chính là “hậu duệ” đời thứ 3 nhà Sơn Kova - hãng sơn duy nhất của Việt Nam có thị phần cạnh tranh về uy tín, thương hiệu, chất lượng cao và ổn định với các hãng sơn ngoại như UTU, Dulux, Jotun, Mykolor…
Doanh nhân sinh năm 1989 còn được biết đến với vai trò cháu ngoại PGS. TS Nguyễn Thị Hòe - Founder đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Kova. Nguyễn Duy, hiện giữ cương vị Tổng Giám đốc Kova Trading - cánh tay thương mại nối dài của Tập đoàn Sơn Kova.
Kova Trading được Duy thành lập và giữ cương vị Giám đốc điều hành ở độ tuổi 25, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Aston Business School (Anh) - đơn vị được gia đình, đặc biệt là "bà ngoại" Nguyễn Thị Hòe định hướng gánh vác sứ mệnh kinh doanh của gia đình.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, bà Hòe cho biết: "Tôi chỉ mang lại cho Kova những sản phẩm tốt nhất mang thương hiệu Việt, còn điều hành công ty và sản xuất đã có con, nhất là cháu trai Nguyễn Duy , sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Anh cũng tham gia điều hành Kova".
Được biết, Gia đình bà Hòe vốn "đông con nhiều cháu". Nguyễn Duy - cháu ngoại bà Hòe từng "bộc bạch" anh có tới 11 anh chị em, nhưng lại là một trong những thành viên đầu tiên tham gia vào chuyện kinh doanh của gia đình, bởi "những người khác không tìm được sự kết nối trong công ty"…
"Tôi khác một chút là khởi nghiệp có điều kiện, có sản phẩm rồi và tài chính không khó bằng nhiều bạn. Nhưng tôi phải nhận trách nhiệm rất lớn. Mọi thứ đang chạy rồi, tôi lập lên Kova Trading và chen vô giữa. Công ty mới cần sự trải nghiệm và va đập", Nguyễn Duy cho hay.
Dưới sự điều hành của Nguyễn Duy, kết quả kinh doanh Kova Trading giai đoạn 2016-2020 có sự tăng trưởng khá ấn tượng.
Cụ thể, năm 2016, doanh thu Kova Trading đạt 313,8 tỷ đồng, và liên tục tịnh tiến những năm sau đó khi lần lượt đạt 388,2 tỷ đồng năm 2017; 405,2 tỷ đồng năm 2018 và đạt đỉnh ở ngưỡng 448,8 tỷ đồng vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, trái ngược với doanh thu, lợi nhuận sau thuế Kova Trading lại "phập phù" kém ổn định. Năm 2016, lãi ròng doanh nghiệp chỉ đạt 3,8 tỷ đồng, tăng lên 6,9 tỷ đồng 1 năm sau đó rồi nhanh chóng giảm về 2,9 tỷ đồng (năm 2018), 3,4 tỷ đồng (năm 2019) và đạt đỉnh 31,5 tỷ đồng năm 2020.
Như vậy, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu Kova Trading lần lượt đạt 1,2%; 1,7%; 0,7%; 0.8% và 7% cho cùng giai đoạn nói trên.
Ở bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Kova Trading vẫn tăng trưởng đều đặn, từ 66,8 tỷ đồng (năm 2016) lên mức 153,1 tỷ đồng (năm 2020). Đối ứng bên nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng vì thế mà phình to, từ 51,5 tỷ đồng năm 2016 lên gần 99 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
QUANG DÂN