Ông Phan Hữu Duy Quốc vừa gửi đơn từ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc Coteccons (mã chứng khoán: CTD) theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 4/1 tới. Ông Quốc mới chỉ tham gia ban điều hành công ty từ tháng 3/2021.
Như vậy, tính đến giờ này ông Duy Quốc là lãnh đạo cấp cao thứ ba rời Coteccons chỉ trong thời gian ngắn.
- Ngày 30/11/2021 ông Michael Trần (Trần Trí Gia Nguyên) rời chức vụ Phó Tổng Giám đốc.
- Ngày 6/12, bà bà Trịnh Quỳnh Giao rút khỏi vị trí thành viên HĐQT.
Cả ông Quốc, ông Michael, bà Giao đều mới chỉ làm việc tại Coteccons trong thời gian ngắn sau khi công ty tái cấu trúc sau giai đoạn thượng tầng xáo trộn.
Ngoài việc hai phó tổng giám đốc lần lượt nghỉ việc chỉ sau khoảng một năm nhậm chức, Coteccons cũng đang bỏ trống ghế tổng giám đốc suốt 18 tháng qua. Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov gần đây cho biết công ty này vẫn chưa tìm được CEO phù hợp.
Trước cuộc khủng hoảng nhân sự cao cấp như trên, lần đầu tiên Coteccons bước qua lời nguyền “không vay nợ”. Cụ thể, Coteccons sẽ chính thức vay nợ thông qua trái phiếu.
Theo đó, Coteccons vừa thông báo chào bán 500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. Nguồn vốn huy động được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động kinh doanh, thanh toán chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí thuê nhân công tại các dự án thuộc công ty.
Mỗi trái phiếu của Coteccons có mệnh giá 1 tỷ đồng, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Kỳ hạn của trái phiếu là 3 năm với lãi suất cố định 9,5%/năm. Tiền lãi được doanh nghiệp trả định kỳ 6 tháng mỗi lần.
Nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia phải mua tối thiểu 20 trái phiếu, tương đương 20 tỷ đồng. Nhà đầu tư tổ chức, số trái phiếu tối thiểu cần mua là 50 trái phiếu, tương đương 50 tỷ đồng.
Trong suốt thời gian dài từ khi thành lập đến trước khi thay đổi cơ cấu ban lãnh đạo, Coteccons dưới thời cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương được biết đến với phương châm không vay nợ, nhờ đó không hề phát sinh chi phí lãi vay, giúp cấu trúc tài chính vững vàng hơn so với các nhà thầu khác.
Không chỉ phát hành trái phiếu, ban lãnh đạo mới của Coteccons thời gian qua cũng đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp khác, điển hình như Novaland (155 tỷ đồng), Vinpearl (96 tỷ đồng) để đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động tài chính. Trước đó, Coteccons gần như chỉ sử dụng nguồn tiền mặt gần 3.000 tỷ đồng của mình gửi ngân hàng để nhận lãi định kỳ.
Sau 9 tháng đầu năm, doanh thu của Coteccons giảm 40% so với cùng kỳ còn gần 6.200 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm đến 75%, chỉ đạt 88 tỷ đồng.
Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov thừa nhận nhiều khả năng doanh thu năm nay của công ty chỉ đạt khoảng 8.500 - 9.000 tỷ đồng, tương đương 50% kế hoạch ban đầu.