Theo đó, biên lợi nhuận gộp cũng hạ từ 68,6% về 64,1%. Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của chuỗi này lùi 33% về 63 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu Phúc Long giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 780 tỷ đồng. Tương ứng, EBITDA giảm 8,5% về khoảng 128 tỷ đồng. Lần đầu tiên kể từ khi về tay Masan, Phúc Long ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi.
Ban lãnh đạo Masan nói việc mở cửa hàng mới diễn ra chậm hơn trong bối cảnh ngành bán lẻ F&B gặp khó. Thực tế, việc dừng nhân rộng quy mô chủ yếu nằm ở mô hình ki-ốt trong chuỗi cửa hàng Winmart+ và siêu thị Winmart. Xu hướng này đã xuất hiện từ năm ngoái khi MSN cho đóng cửa 150 ki-ốt trong nửa cuối năm và chỉ tập trung mở mới cửa hàng flagship.
Mở rộng mạng lưới thông qua hàng nghìn ki-ốt với kỳ vọng đưa Phúc Long thành công ty trà và cà phê số một Việt Nam, đã không như mong đợi của Masan.
Cụ thể, vấn đề này được ghi nhận trong báo cáo thường niên năm 2022 và có thể thấy từ con số doanh thu và lợi nhuận. Hệ thống Phúc Long mang về hơn 1.500 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022, với lợi nhuận gần 200 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng nhóm cửa hàng flagship đạt doanh thu hơn 1.100 tỷ với lợi nhuận hơn 330 tỷ đồng. Tức là, phần đóng góp của mô hình ki-ốt vào lợi nhuận có thể là con số âm.
Do đó, doanh nghiệp này phải bắt tay vào điều chỉnh mô hình ki-ốt trong nửa đầu năm nay trước khi tiếp tục gia tăng điểm bán cho Phúc Long. Trước mắt, Masan thử nghiệm mô hình hubs & spokes - chuyển khách online từ cửa hàng flagship sang các ki-ốt xung quanh vào giờ cao điểm. Ở các ki-ốt đã chuyển đổi, doanh thu trung bình hàng ngày tăng 40%.
Trước mắt, xương sống của Phúc Long vẫn là mô hình flagship. Nhóm cửa hàng này có doanh thu đạt 518 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Con số trên chiếm khoảng hai phần ba doanh thu toàn chuỗi.
Trong những tháng cuối năm, công ty đặt mục tiêu mở thêm 25 cửa hàng mới và cải thiện doanh thu trên mỗi cửa hàng tiệm cận mức cùng kỳ.
CHÂU HUY