Tiêu dùng

Dũng “lò voi” và siêu dự án Khu du lịch Đại Nam: biến đồng hoang thành dự án nghìn tỷ, liên tục thua lỗ đến mức âm vốn chủ sở hữu, tuyên bố rút khỏi thương trường

Dũng “lò vôi” sinh năm 1961 tại Bình Định. Trên thực tế, tên khai sinh của ông là Huỳnh Phi Dũng nhưng sau đó ông tự đổi thành Huỳnh Uy Dũng, với mong muốn cuộc đời bớt sóng gió, gian nan.

Đúng với biệt danh "Dũng lò vôi", quá trình lập nghiệp của vị doanh nhân này cũng bắt đầu từ chiếc lò vôi.

Theo đó, sau quá trình xuất ngũ, vì quá nghèo khổ, ông mở lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Xí nghiệp làm ăn phát đạt khiến Dũng "lò vôi" bắt đầu phất lên. Và biệt danh "Dũng lò vôi" gắn liền với tên tuổi của ông từ ấy.

Dũng lò voi, doanh nhân gốc Bình Định là người tiên phong trong mô hình xây dựng khu công nghiệp tại Bình Dương.

Sau này, khi việc kinh doanh vôi đi xuống, ông bán lò vôi, chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ thuộc tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương. Đến năm 1996, ông Dũng nghỉ công việc nhà nước, chuyển ra làm kinh doanh riêng.

Ông là người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam, sở hữu trong tay nhiều bất động sản và tài sản "khủng" như: Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…

Tuy nhiên, khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) mới là công trình đưa tên tuổi ông Dũng vượt xa khỏi đất Thủ - Bình Dương.

Vào những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn. Ông Huỳnh Uy Dũng khi đó nắm quyền thuê gần 500ha đất đã biến địa điểm này trở thành một trong những khu du lịch nổi tiếng bậc nhất phía Nam.

Dự án khởi công từ năm 1999 và mất ròng rã 9 năm để có thể mở cửa đón khách lần đầu tiên, siêu dự án Đại Nam tiêu tốn của chủ đầu tư đứng sau tới 6.000 tỷ đồng.

Khu du lịch Đại Nam là dự án giúp tên tuổi của Dũng lò voi vượt ra khỏi đất Thủ-Bình Dương.

Theo giới thiệu, dự án này được thiết kế hoàn toàn bởi ông Huỳnh Uy Dũng, từ phối cảnh, bản vẽ cho đến chỉ đạo công việc xây dựng. Khu du lịch Đại Nam hiện có nhiều địa điểm thăm quan đa dạng như đền thờ (9 ha), vườn bách thú (12,5 ha), biển nhân tạo (21,6 ha), khu vui chơi giải trí (50 ha), trường đua (60 ha) …

Tuy nhiên điều bất ngờ là CTCP Đại Nam liên tục thua lỗ lớn trong những năm gần đây.

Theo số liệu của chúng tôi, trong giai đoạn 2016-2019, doanh thu của Đại Nam dao động từ 370-450 tỷ đồng/năm. Với giá vốn hàng bán rất thấp, tỷ suất lãi gộp của Đại Nam lên đến trên 90% doanh thu.

Tuy nhiên trừ đi các chi phí liên quan khác, công ty vẫn lỗ lớn: trong đó năm 2017 và 2019 lỗ trên 100 tỷ đồng.

Liên tục lỗ lớn dẫn đến vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2019 đã xuống -195 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm này, tổng tài sản của Đại Nam đạt gần 4.500 tỷ và nợ dài hạn hơn 3.900 tỷ đồng.

Mới đây, một thông tin khá bất ngờ với thương trường, ông Huỳnh Uy Dũng, một doanh nhân lừng lẫy tuyên bố rút khỏi thương trường.

“Bắt đầu từ ngày 8/5, trên thương trường sẽ vắng một Huỳnh Uy Dũng mà trên con đường thiện nguyện của đất nước sẽ có thêm một người thiện tâm, lấy việc giúp bá tánh làm niềm vui, niềm hạnh phúc", ông Dũng viết trên trang cá nhân.

Như vậy, bà Nguyễn Phương Hằng (tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, biệt danh Hằng Canada) sẽ chính thức tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Đại Nam.

Theo đó, Đại Nam do ông Dũng và bà Hằng điều hành hoạt động trong 3 lĩnh vực chính là Bất động sản (Khu đô thị trung tâm hành chánh huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng thần 2, Khu nhà ở Sóng thần 2 và Sóng thần 2 mở rộng, khu đô thị thương mại dịch vụ sóng thần, khu dân cư Đại Nam - Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2), Du lich (Khu du lịch Đại Nam) và Khu công nghiệp (Khu công nghiệp Sóng thần 2 và 3).