Được biết, đây là những dự án được DIC kỳ vọng mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn trong năm 2021. Tuy nhiên, thực chất cả hai dự án đang vướng những vấn đề pháp lý và đang bị Chính phủ yêu cầu thanh tra, làm rõ sai phạm.
Như chúng tôi đã thông tin, DIC vừa công bố BCTC quý III/2021 với kết quả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm.
Theo đó, quý III/2021, DIC ghi nhận doanh thu đạt 538,51 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 42,27 tỷ đồng, đều giảm 44,3% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 30/9/2021, tổng tài sản của công ty tăng 17,7% so với đầu năm lên 13.917,1 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là hàng tồn kho đến 4.296 tỷ đồng, chiếm 30,9% tổng tài sản.
Con số, 30,9% hàng tồn kho trên tổng tài sản của DIC chắc chắn có liên quan đến hai đại dự án tại Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thanh tra các sai phạm tại dự án Khu du lịch sinh thái Đại Phước, tỉnh Đồng Nai
Cụ thể, đó là dự án Khu du lịch sinh thái Đại Phước, tỉnh Đồng Nai. Đây là một dự án có nhiều sai phạm kéo dài và đang được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao các cơ quan gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và UBND tỉnh Đồng Nai thanh tra, làm rõ.
Theo đó, ngày 27/5/2021 Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết quả rà soát, kiểm tra việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái Đại Phước, tỉnh Đồng Nai.
Phó Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc thực hiện kết luận sau thanh tra, qua rà soát việc triển khai thực hiện xây dựng Dự án Khu du lịch sinh thái Đại Phước còn nhiều tồn tại, vi phạm, vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, cục bộ.
Việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, hợp đồng góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... nên cần kiểm tra, rà soát giải quyết, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; việc xử lý, giải quyết thuộc trách nhiệm UBND tỉnh Đồng Nai và DIC.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì kiểm tra, rà soát việc DIC góp vốn bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất, làm rõ tỉ lệ vốn Nhà nước tại DIC; cơ sở liên doanh góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập Công ty Cổ phần Vina Đại Phước theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Kiểm tra, rà soát phần chênh lệch giữa giá trị toàn bộ lô đất (198,51ha) với giá trị xác định góp vốn bằng quyền sử dụng đất (trong đó có 99,25 ha là đất hạ tầng công cộng, không thu tiền sử dụng đất).
Cùng với đó, làm rõ số tiền 970,9 tỷ đồng mà Công ty Cổ phần Vina Đại Phước hoàn trả cho DIC (ngoài giá trị DIC đã góp vốn), trường hợp thu sai thì thu hồi, xử lý theo quy định, không để thất thoát tài sản Nhà nước.
Siêu dự án Khu trung tâm Chí Linh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “đắp chiếu” sau 25 năm và cũng bị thanh tra làm rõ
Một tháng sau khi bị yêu cầu thanh tra tại dự án Đại Phước, DIC tiếp tục bị yêu cầu thanh tra tại dự án Khu trung tâm Chí Linh thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Được biết, dự án Khu trung tâm Chí Linh có diện tích đất 99,7 ha, nằm trên địa bàn ba phường Nguyễn An Ninh, Thắng Nhất và phường 10, Thành phố Vũng Tàu.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 15.000 người; thời gian thực hiện khoảng 10 năm, từ 1996 đến 2005. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã kéo dài đến 25 năm.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, DIC Corp xếp dự án khu trung tâm Chí Linh vào dạng ưu tiên một. Công ty có kế hoạch đầu tư 308 tỷ đồng cho dự án này, trong đó 145 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng, 150 tỷ đồng là tiền sử dụng đất, còn lại 12,8 tỷ đồng là chi phí thi công.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư đã nhiều lần bị khách hàng tố cáo chậm trễ giao đất và vi phạm hàng loạt quy định về đầu tư xây dựng.
Trong tháng 6/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát hồ sơ, thủ tục, quá trình triển khai dự án nói trên.
Trong báo cáo tài chính quý III/2021, kết quả kinh doanh của DIC sụt giảm, dòng tiền kinh doanh âm hơn 263 tỷ đồng, vay nợ ngắn hạn và dài hạn tăng thêm hơn 1.814 tỷ đồng chắc chắc có sự “đóng góp” không nhỏ của 2 đại dự án nêu trên.
AN NHIÊN