Theo kết quả kiểm tra tư cách cổ đông, tổng số cổ đông tham dự đại hội cổ đông bất thường của FLC là 239 cổ đông. Trong đó, có 156 cổ đông trực tiếp và 83 cổ đông ủy quyền tham dự đại hội.
Số cổ đông này tương ứng đại diện cho trên 239 triệu cổ phần, chiếm tỉ lệ khoảng 33,7% vốn điều lệ, không đạt điều kiện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và điều 18 điều lệ công ty. Do đó, đại hội cổ đông của FLC không thực hiện được.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp thông báo kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2-7-2022. Danh sách cổ đông tham dự vẫn lấy theo danh sách chốt ngày 9-5-2022 vừa qua.
Theo dự kiến, tại đại hội cổ đông bất thường 2022, hội đồng quản trị Tập đoàn FLC sẽ trình một số nội dung lên đại hội trong đó có nội dung trả thù lao đối với các thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát.
Trong đó, mức thù lao 2022 đề cử cho chủ tịch hội đồng quản trị FLC là 20 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên trong hội đồng quản trị sẽ nhận thù lao 15 triệu đồng/người/tháng.
Còn thù lao cho trưởng ban kiểm soát là 15 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên còn lại trong ban kiểm soát sẽ nhận 10 triệu đồng/người/tháng.
Đại hội bất thường lần này của FLC cũng bàn chuyện miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung, đồng thời bầu ra 2 nhân sự thay thế, bao gồm cả thành viên HĐQT độc lập.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của FLC cho thấy, công ty khép lại quý này với số lỗ sau thuế 465 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 lãi gần 43 tỷ đồng.
Đến 31/3, nợ phải trả của FLC tăng 8,5% lên 26,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn tăng 20% lên 17,7 nghìn tỷ đồng, nợ dài hạn cũng tăng mạnh lên 8,4 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản của FLC hiện lên gần 74%.
Hiện cổ phiếu FLC cùng với hai cổ phiếu trong hệ sinh thái là ROS và HAI đang bị hạn chế giao dịch khi chỉ được giao dịch phiên chiều kể từ ngày 1/6.