Theo Thứ trưởng Sinh, đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Về mặt thực thi, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ các vướng mắc của dự án bất động sản còn có liên quan đến các địa phương, nổi lên những dự án còn nhiều khó khăn ở những địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương phía Nam cũng đang còn một số vướng mắc liên quan trình tự, thủ tục đầu tư.
"Tính đến nay, Bộ Xây dựng, tổ công tác của Thủ tướng đã xử lý, giải quyết 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 121 dự án bất động sản tại rất nhiều địa phương trên cả nước", ông cho biết.
Về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, ông Sinh cho biết Bộ Xây dựng đang tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội để tạo nguồn cung về nhà ở, góp phần tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
"Qua đó, thị trường bất động sản đã có chuyển biến, nhiều dự án bất động sản nhà ở thương mại đã được tháo gỡ để triển khai trở lại, nhiều dự án nhà ở xã hội cũng được chấp thuận, khởi công tại nhiều địa phương trên cả nước tạo thêm nguồn cung cho thị trường", Thứ trưởng nhìn nhận.
Trước đó, để giải quyết khó khăn chung của thị trường bất động sản, Chính phủ, các bộ, ngành, tổ công tác của Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, ban hành nhiều nghị định, thông tư để giải quyết những vướng mắc pháp luật.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đã trình sửa đổi các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ liên quan đến các vướng mắc, thủ tục của thị trường bất động sản. Thời gian qua, tổ công tác đã làm việc với các địa phương rà soát các dự án, trong đó TP.HCM rà soát 180 dự án, Hà Nội rà soát 170 dự án, Đà Nẵng rà soát 75 dự án, Hải Phòng 65 dự án, Cần Thơ 79 dự án...
AN NHIÊN