Kiến nghị vay vốn để đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở xã hội
Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Bình Dương đã kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng như: Xem xét cho Bình Dương thực hiện một số giải pháp đặc thù để triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn liên quan đến các tuyến đường Vành đai 3, 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh và tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đề nghị được hướng dẫn rõ hơn về thời hạn quy hoạch, phương pháp xây dựng quy hoạch trong việc lập các quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch; hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức thu hồi, tính khấu hao, thanh lý tài sản để hoàn trả mặt bằng đối với công trình xây dựng khẩn cấp được quy định tại Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó có các Bệnh viện dã chiến được xây dựng để điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng nguồn vốn xã hội hóa và vốn Nhà nước (không thuộc vốn đầu tư công) trong thời gian vừa qua.
Về Chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bình Dương đặc biệt kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan Trung ương xem xét, tạo điều kiện cho Bình Dương vay vốn từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng số lượng lớn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị có nhu cầu đã được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà của tỉnh giai đoạn 2021-2025; bổ sung cơ chế Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, Bình Dương đề xuất được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Đồng thời được đơn giản hóa thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án và đưa vào sử dụng.
Đối với việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, Bình Dương cũng đề xuất được thay đổi vị trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở và đô thị đối với trường hợp có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương, hoặc tại các dự án có phân khúc đầu tư không phù với yêu cầu bố trí nhà ở trong khu vưc dự án để bố trí tập trung ở các địa điểm khác có điều kiện bố trí đồng bộ và kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuận tiện hơn.
Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cần có tầm nhìn xa và chương trình kế hoạch cụ thể
Chia sẻ những thành quả mà tỉnh Bình Dương đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết sau khi trực tiếp khảo sát một số khu nhà ở xã hội và nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng đã rất ấn tượng và đánh giá cao các mô hình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với nhiều sáng tạo nhưng hết sức hợp lý, phù hợp với nhu cầu người dân và công nhân trên địa bàn tỉnh.
“Số lượng lớn nhà ở xã hội và nhà ở công nhân hiện có tại Bình Dương là kết quả từ lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh đối với yêu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn”, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà tỉnh phải đối mặt trong thời gian cao điểm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua, cũng như những tồn tại, khó khăn khác trong công tác quản lý Nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong đó có áp lực từ tốc độ đô thị hóa liên tục tăng nhanh, tỷ lệ tăng dân số cơ học thường xuyên cao; nhu cầu về nhà ở công nhân, nhà ở xã hội sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi các khu công nghiệp được lấp đầy và các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động; trong khi tốc độ phát triển nhà ở xã hội chững lại do hỗ trợ vay ưu đãi, cấp bù lãi suất từ Trung ương đến nay chưa tiếp cận được.
Trước thực trạng và định hướng phát triển của Bình Dương trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Bình Dương tiếp tục đồng hành cùng Bộ Xây dựng trong tiến trình giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân. Về ngắn hạn, tỉnh cần rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp dành một phần quỹ đất dịch vụ trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú cho công nhân. Nếu chưa sử dụng hết diện tích đất trong khu công nghiệp thì cho điều chỉnh quy hoạch để đầu tư nhà lưu trú cho công nhân; giao doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư nhà lưu trú công nhân; Cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục, khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở công nhân; Thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà lưu trú công nhân, ứng dụng công nghệ mới.
Về dài hạn, trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp cần phải bố trí diện tích đất phù hợp để làm nhà lưu trú cho công nhân; bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà ở công nhân… UBND tỉnh có cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân cho thuê, thuê mua, mua.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm về việc Bộ đã xác định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc liên quan đến nhà ở công nhân và nhà ở xã hội để tập trung tháo gỡ trong thời gian tới như: Quy định về quy hoạch bố trí quỹ đất dự án xây dựng nhà ở công nhân khu công nhân đang có sự khác nhau giữa các Luật. Vì theo Luật Nhà ở 2014, khi quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất phải xác định rõ diện tích đất xây dựng nhà ở trong quy hoạch (không nêu rõ quy hoạch nào, vì vậy được hiểu là có thể nằm trong hoặc ngoài quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất), trong khi đó, Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2020 thì việc bố trí quỹ đất này phải thực hiện bên ngoài khu công nghiệp; hoặc các vướng mắc khác như: Hiện chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp mà đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, trong khi các chính sách hiện hành còn nhiều điểm chưa thực chất thiếu như: Miễn tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, miễn giảm thuế không thực chất vì không được tính vào giá thành nhà ở xã hội…
Bộ trưởng cho biết sẽ tập trung phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan Trung ương rà soát, sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới, cũng như việc xây dựng các chính sách mới khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn vốn khả khi hỗ trợ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ chủ động hơn nữa, không chờ đợi các quy trình hành chính trong việc tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị của tỉnh để đôn đốc, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về Xây dựng trên địa bàn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương.
MAI THANH – CAO CƯỜNG