Với hơn 742,32 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Bảo Việt dự kiến chi khoảng 708 tỷ đồng cho đợt cổ tức này, phần lớn thuộc về cổ đông Nhà nước. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ thu về 460 tỷ nhờ nắm giữ 65% vốn, còn SCIC nhận về 21 tỷ đồng do nắm 3% cổ phần. Cổ đông chiến lược nước ngoài Sumitomo Life cũng thu về gần 156 tỷ đồng nhờ sở hữu 22% vốn.
Trước đó, trong năm 2022, Bảo Việt cũng đã dùng toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2021 để chia cổ tức năm 2021 cho cổ đông với tỷ lệ 30,261% bằng tiền. Đây là mức cổ tức kỷ lục, so với mặt bằng trên dưới 10% hàng năm.
Về kết quả kinh doanh 9 tháng, Bảo Việt ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 1.712 và 1.428 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 10,2% và 14,1% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023, tập đoàn lên kế hoạch kinh doanh bao gồm doanh thu của công ty mẹ là 1.530 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.100 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 3,2% so với cùng kỳ thực hiện năm ngoái.
Theo một báo cáo gần đây của Vietcap, trong giai đoạn 2023-2025, Bảo Việt sẽ lên kế hoạch trình cổ đông, nội dung gồm (1) giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước và tăng vốn điều lệ cũng như (2) cổ phần hóa 2 công ty con là Bảo Việt Nhân thọ và Bảo hiểm Bảo Việt (BH Phi nhân thọ) để tăng tính linh hoạt trong huy động vốn.
Sau khi giảm sở hữu Nhà nước, Bộ Tài chính vẫn sẽ là cổ đông lớn nhất đồng thời dòng vốn mới sẽ giúp Bảo Việt củng cố vị thế về vốn và hỗ trợ mảng kinh doanh bảo hiểm để đáp ứng các yêu cầu về mô hình quản lý vốn dựa trên rủi ro theo Luật Bảo hiểm mới.
THỊNH HUY