Tiêu dùng

7 năm sau khi bán New Pearl cho Vạn Thịnh Phát, FutaLand của đại gia Nguyễn Hữu Luận tái xuất thị trường với dự án có tổng mức đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vào tháng 7/2020 đã có công văn chấp thuận cho CTCP Đầu tư Phương Trang đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, thương mại cao tầng Phương Trang – khu C5b, khu E và khu F.

Theo đó, dự án này tọa lạc tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu với tổng diện tích sử dụng đất là 266.418m2 và tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu trên 600 tỷ đồng (chiếm 15,01%); vốn huy động từ khách hàng thông qua hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là 618 tỷ đồng (chiếm 15,47%); vốn vay từ các tổ chức tín dụng là 2.780 tỷ đồng (chiếm 69,52%).

Thời gian thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày ban hành văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.

Được biết FutaLand là pháp nhân trực thuộc Công ty CP Đầu tư Phương Trang (Futa Corp).

Ở thời điểm mới thành lập, trao đổi với báo chí, ông Đặng Đình Tuấn, Tổng Giám đốc FutaLand vào thời điểm đó nhấn mạnh lĩnh vực đầu tư của công ty là căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp.

Để hiện thực hóa những định hướng nêu trên FutaLand đã kết hợp với Địa ốc Hưng Hưng Thịnh và Công ty Cổ phần Thế giới Căn hộ cho ra mắt sàn giao dịch bất động sản Phương Trang - Hưng Hưng Thịnh - Thế giới Căn hộ tại 76-82 Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM.

Dự án căn hộ hạng sang New Pearl, từng được xem là át chủ bài của FutaLand đã triển khai không thành công và buộc phải bán lại cho Vạn Thịnh Phát.

Đặc biệt, FutaLand cho ra mắt thị trường dự án New Pearl tại 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 có giá bán thuộc lại đỉnh của thị trường vào thời điểm đó là 90 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, FutaLand còn công bố hàng loạt các dự án cao cấp khác như: The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha).

Đặc biệt, dự án căn hộ hạng sang New Pearl, vốn được xem là át chủ bài của Futaland trong kế hoạch phát triển bất động sản. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai và quảng bá rầm rộ, New Pearl không thể hoàn thiện pháp lý để chuyển sang căn hộ để ở. Chính vì vậy, dự án đã không được triển khai thành công và buộc trả lại tiền cho khách hàng. Tổng giám đốc Đặng Đình Tuấn người đang rất được kì vọng buộc phải từ chức và rời khỏi FutaLand.

Năm 2013, Futaland buộc phải chuyển nhượng dự án New Pearl cho Vạn Thịnh Phát với giá trị chuyển nhượng khoảng 20 triệu USD sau khi mới thi công đến tầng 2.

Tổng giám đốc Đặng Đình Tuấn, người từng được kì vọng đưa FutaLand phát triển mạnh mẽ buộc phải rời ghế sau thất bại của dự án New Pearl.

Ngoài các dự án kể trên FutaLand còn sở hữu khối bất động sản khá lớn TP. Đà Nẵng, gồm dự án Han Riverview (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove, (120 ha), dự án An Cư 11 và dự án Khu đô thị sinh thái biển Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng (147ha).

Cần nhấn mạnh rằng khối bất động sản mà nhóm Futa Corp sở hữu thực tế còn lớn hơn nhiều và phần tài sản thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) vào năm 2016 là sự thể hiện rõ nhất. Futa Corp thời điểm ấy đã tố cáo ngân hàng này đã giam khối tài sản thế chấp 14.500 tỷ đồng của mình, trong đó bất động sản chiếm tới 98% tương ứng 14.210 tỷ đồng.

Về CTCP Đầu tư Phương Trang (tên viết tắt Futa Corp) được thành lập vào ngày 12/2/2003 với vốn điều lệ ở mức 770 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Luận nắm giữ 98,66% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Thị Như Mai là tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật.

Bên cạnh việc nắm giữ phần lớn cổ phần tại Futa Corp, Chủ tịch Nguyễn Hữu Luận còn hiện diện và chi phối tại hầu hết công ty thành viên trong “hệ sinh thái”. Đầu tiên phải kể đến lĩnh vực vận tải với thương hiệu xe khách Phương Trang – mảng kinh doanh truyền thống của đại gia này.

Tuy là lĩnh vực hoạt động lõi nhưng mãi đến 4/2013, CTCP Xe khách Phương Trang Futa BusLines (Futa BusLines) mới được thành lập.

Tại ngày 3/11/2015, số vốn Futa BusLines ở mức 200 tỷ đồng. Trong đó, thành phần cổ đông gồm CTCP Taxi Phương Trang nắm giữ 40%, ông Nguyễn Hữu Luận (52,67%), ông Phạm Đăng Quan (5,83%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh (1,5%).

Cũng trong lĩnh vực vận tải, ngoài Futa BusLines thì còn có thêm 2 pháp nhân khác là CTCP Vận tải và Dịch vụ Du lịch Phương Trang (tên viết tắt Futatrans Corp) và CTCP Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương Trang Futa (Futa Express).

Trong đó, Futa Express là đơn vị điều hành lĩnh vực chuyển phát nhanh với thương hiệu cùng tên, trụ sở hiện đặt tại quận 10 TP.HCM. Nên biết, Futa Express chính là công ty mẹ của CTCP Thương mại điện tử Vận Thông, đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe Vato, với tỷ lệ sở hữu đến 90% vốn. Futa từng tuyên bố sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng cho dự án gọi xe công nghệ đầy tham vọng này.

Theo thông tin chúng tôi có được, vào tháng 5/2020, hệ sinh thái này xuất hiện thêm CTCP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang – Futa Group (Futa Group). Futa Group đăng ký hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ ở mức 500 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm FutaBusline (40%), Futa Corp (49%) và ông Phạm Đăng Quan (11%).

Chính vì cách đầu tư dàn trải nên hiệu quả kinh doanh của Futa Corp không cao. Theo đó, trong giai đoạn 2017-2019, Futa Corp chỉ báo lãi một lần duy nhất vào năm 2019, các năm trước đó đều báo lỗ lớn, riêng 2017 lỗ thuần hơn 109 tỷ đồng.

Pháp nhân đóng góp doanh thu chủ yếu cho cả hệ sinh thái của Futa Corp chính là Futa BusLines, riêng năm 2019 doanh thu thuần của Futa BusLines là hơn 2.156 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Futa đạt 15.549 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả cũng đã ở mức 15.152 tỷ đồng.

Về phần mình, doanh nhân sinh năm 1966 Nguyễn Hữu Luận còn là đại diện tại một loạt doanh nghiệp khác là CTCP Thương mại và Xây dựng Thành Hiếu, Công ty TNHH Nam Ôtô, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Mỹ, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Trường Vĩ Nhà Bè và CTCP Bất động sản Phương Trang Long An.

Minh Trí