Ts Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế: Tiền sẽ chảy vào bất động sản nhưng thị trường không phục hồi theo kiểu ‘lò xo nén’
Về nguyên lý, tiền phải có chỗ đi, dịch chuyển đâu đó, nó vào chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới chứng kiến sự bùng nổ của thị trường chứng choán. Bất động sản cũng vậy. Đây là kênh tiền đi vào khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dòng tiền tới đây sẽ hiện thực hoá khoản lãi từ thị trường khoán sang bất động sản. Đó cũng là nguyên nhân cần quan tâm trong năm tới.
Tuy nhiên, cũng theo ông Ánh, thị trường không thể phục hồi theo kiểu ‘lò xo nén’ như những định gần đây trên truyền thông. Dự báo sự phục hồi thị trường BĐS sẽ không có chuyện giống như lò xo bị nén do tất cả yếu tố về kinh tế và thị trường BĐS bị ảnh hưởng sau 1 thời gian dài đóng băng.
“Việc doanh nghiệp đua phát hành trái phiếu với tỷ trọng lớn kéo theo rủi ro về trái phiếu là việc cần hết sức cảnh giác thời gian tới. Chúng ta cần lường trước những vấn đề trên để giúp cho thị trường BĐS an toàn lành mạnh, tránh dẫm vào vết xe đổ thời gian vừa qua.”, ông Ánh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của DKRA Vietnam: Quý IV nguồn cung và sức mua sẽ tích cực hơn quý III/2021, năm 2022 thị trường phải chịu áp lực tăng giá
Dự báo nguồn cung mới Quý IV, toàn bộ khu vực TP.HCM và vùng phụ cận có thể có 3.500 - 4.500 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, TP.HCM và Bình Dương vẫn dẫn đầu với khoảng 2.000 - 3.500 căn, tuỳ điều kiện thị trường mà các chủ đầu tư đưa ra lượng hàng phù hợp. Dự kiến, nguồn cung căn hộ của TP.HCM và vùng phụ cận cả năm 2021 tương đương 55% so với năm 2020.
Sức mua chung trong Quý IV, về cơ bản sẽ diễn biến tương tự hoặc tăng nhẹ so với Quý 3, nhưng vẫn suy giảm so với Quý I hoặc cùng kì năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực và việc này cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp. Điểm sáng của Quý 4 vẫn dựa vào những người có tiềm lực tài chính lựa chọn bất động sản là kênh hàng đầu để đầu tư lâu dài và đa dạng hoá/bảo toàn giá trị tài sản.
Cũng theo ông Hoàng, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 như: lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng... Đặc biệt, từ quý II/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 - 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em, thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): Bộ Xây dựng đề xuất 2 gói tín dụng 65.000 tỷ đồng cho bất động sản
Cụ thể, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Theo đó, gói tín dụng này sẽ bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để cho các đối tượng quy định tại Khoản 1, 4, 5, 6, 7 Điều 49 Luật Nhà ở vay để mua, thuê, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: 14.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bổ sung vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP với tổng số tiền 1.000 tỷ đồng.
Gói tín dụng thứ hai theo cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Theo đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước dành khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 là 220.000 tỷ đồng) thông qua tái cấp vốn với lãi suất và thời hạn phù hợp, để các ngân hàng thương mại cho các đối tượng sau vay ưu đãi: Chủ đầu tư đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; Công nhân khu công nghiệp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội; Các Ngân hàng thương mại sẽ thực hiện cho vay đối với khách hàng là các đối tượng thuộc Chương trình theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và các quy định do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, chuyên gia tư vấn GIBC: Muốn phát triển một khu đô thị bền vững phải dựa trên 5 yếu tố trụ cột
Tại hội thảo, ông Nghĩa cho hay: Nếu một chủ đầu tư hay một đô thị muốn phát triển thì phải đáp ứng được 5 giải pháp trụ cột gồm: Kinh tế việc làm, thu hút đầu tư, trọng lực khai thác hiệu quả, giải quyết vấn đề về môi trường và cuối cùng là công nghệ. Nếu rời xa 5 trụ cột này thì không phải là xu hướng của đô thị trong tương lai.
“Khái niệm về đô thị hoặc đô thị vệ tinh chuyển thành đa đô thị, trong đó có đô thị lớn và đô thị thành phần kết nối các đô thị khác. Chủ đầu tư cần định nghĩa lại mô hình kinh doanh của mình, phát triển qua các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, nếu chỉ chuyên tâm cho phát triển sản phẩm thì sẽ gặp khó khăn trong tương lai.”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Cũng theo ông Nghĩa, một điểm quan trọng khác cần lưu ý là: Vùng TPHCM vẫn bị tắt hạ tầng trọng yếu, những ưu tiên về hạ tầng cần phải dài hạn. Trong khoảng 10 năm qua, một vài chủ đầu tư cũng chuyển đổi mô hình qua tích hợp kinh tế cho doanh nghiệp chứ không riêng đầu tư bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA): Điểm nghẽn chính sách là điều khó nhất của thị trường bất động sản
“Thị trường bất động sản (BĐS) không phải tới đại dịch mới khó, mà đã khó từ năm 2015 khi Nghị định 99 của Chính phủ có hiệu lực.”, ông Châu chia sẻ.
Cũng theo ông, khi thị trường vừa phục hồi sau giai đoạn đóng băng năm 2013, nhưng rất tiếc Luật nhà ở đã làm thị trường tiếp tục sụt giảm nguồn cung. Năm 2020 có điều chỉnh sửa đổi đã tạo ra thêm hơn 90% dự án nhà ở được công nhận chủ đầu tư nhưng chỉ ở mức trung bình và nhỏ.
Điểm khó nhất của thị trường theo ông Châu là việc công nhận chủ đầu tư khi quy định về đất ở gây khó cho thị trường. Ông đưa ra một ví dụ cụ thể: 1ha đất cao su được mua từ 5 đến 7 tỷ đồng nhưng không dính đất ở nên không công nhận chủ đầu tư. Điểm nghẽn này đã xảy ra trước khi có dịch COVID-19, điểm nghẽn này cùng với dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm vấn đề khó khăn của BĐS.
Vị đại diện cho doanh nghiệp cũng tha thiết đề nghị các cơ quan hữu quan: “Chúng ta không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ cần xin hỗ trợ tháo gỡ khó khăn chồng chéo về thể chế để thị trường có thể phục hồi và phát triển lành mạnh.”
AN NHIÊN