Tiêu dùng

TP. HCM chi gần 16.000 tỷ đồng để đầu tư cải tạo rạch Xuyên Tâm và giải phóng mặt bằng Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài

UBND TP. HCM trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương đầu tư cải tạo rạch Xuyên Tâm và giải phóng mặt bằng cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Theo đó, tổng vốn thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm là hơn 9.664 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Đối tượng thụ hưởng dự án là người dân sinh sống khu vực quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp.

UBND TP. HCM trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương đầu tư cải tạo rạch Xuyên Tâm và cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Trong đó, gần 6.650 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ, khởi công. Hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được chi trong 5 năm để thi công và quyết toán dự án.

Được biết, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm trước đây được TP. HCM dự tính đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 20 năm dự án vẫn chưa thể triển khai. Hình thức đầu tư này sau đó bị đánh giá không khả thi. Tháng 8/2019, Ban thường vụ Thành ủy TP. HCM thống nhất chủ trương đầu tư dự án này từ ngân sách thành phố.

Ngoài ra, UBND thành phố trình Hội đồng Nhân dân duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng khác đó là cao tốc TP. HCM - Mộc Bài.

TP. HCM dự định chi 5.936 tỷ đồng ngân sách giai đoạn 2021-2025 để làm cao tốc TP. HCM - Mộc Bài. Trong đó, hơn 5.900 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; 35 tỷ đồng cho các chi phí chuẩn bị dự án và sẽ được nhà đầu tư trúng thầu hoàn trả lại ngân sách.

Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài dài 50 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Điểm đầu giao giữa tỉnh lộ 15 với Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP. HCM); điểm cuối kết nối quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Riêng đoạn qua TP. HCM dài gần 24 km.

Tuyến đường đi qua hai địa phương, nhưng TP. HCM được giao chủ trì thực hiện. Đây là công trình giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đồng thời phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối TP. HCM qua Tây Ninh, giảm tải quốc lộ 22.

Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 16.700 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Trong đó, nhà đầu tư dự kiến thu phí hoàn vốn trong 18 năm một tháng, còn nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ ngân sách TP. HCM và tỉnh Tây Ninh.

Công trình thực hiện trong giai đoạn 2022-2027. Theo kế hoạch, các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sẽ hoàn thành quý III/2023, sau đó chọn nhà đầu tư ký kết hợp đồng vào quý II/2024. Mặt bằng được giải phóng trong hai năm tiếp theo và thi công hoàn thành dự án trong ba năm, từ 2024 đến 2027.

AN NHIÊN