Ngày 13/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc đầu tiên với TP.HCM trên cương vị người đứng đầu Chính phủ. Đi cùng ông trong chuyến công tác này có các tân phó thủ tướng và lãnh đạo bộ, ngành.
Về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng nêu rõ, ngoài 15 vấn đề trong báo cáo của thành phố, đoàn công tác đề xuất thêm nội dung thành phố phải khẩn trương triển khai trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Qua làm việc, đoàn công tác và TP.HCM cơ bản đồng tình với 16 nội dung này.
Thủ tướng cũng khẳng định “ủng hộ tối đa” kiến nghị của thành phố về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của thành phố. Chính phủ phối hợp với TP.HCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với nguồn ngân sách tăng thêm, thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn
Báo cáo với Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ ra 6 nhóm nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh để tập trung xử lý. Theo đó, thành phố sẵn sàng nâng tổng công suất cách ly lên 10.000 giường; điều trị cho 50-100 người bệnh; và đảm bảo lấy 50.000 mẫu xét nghiệm/ngày.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Đi đôi với đó là giám sát, kiểm tra liên tục và đầy đủ. “Không thể để nhiều sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, ông nói.
Thủ tướng lấy ví dụ qua 3 đợt dịch, Việt Nam đã làm rất tốt nhưng việc khen thưởng chưa kịp thời, đầy đủ. Có nơi để xảy ra khuyết điểm, sai lầm nhưng chưa được xử lý đến nơi đến chốn. "Đợt dịch này biến chủng lây lan nhanh, khó lường, khó điều trị nhưng có thực tế là chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Vì sao lơ là, vì sao mất cảnh giác?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Ông cho rằng nguyên nhân là kỷ luật và khen thưởng chưa đúng mức. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm kỷ luật vẫn phải làm mà chống dịch vẫn phải làm. "Vừa qua đã có đình chỉ, khởi tố, cảnh cáo, cách chức rồi. Sắp tới cũng sẽ có khen thưởng", ông nói.
Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh thành phố cần đẩy mạnh xây dựng Đảng, đặc biệt là phòng chống tiêu cực, tham nhũng, xóa bỏ quan liêu, lãng phí.
"Vừa qua kiểm điểm, sai phạm của thành phố chủ yếu xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ không được giữ đúng và không thực hiện phương thức lãnh đạo rất quan trọng của Đảng là nêu gương", Thủ tướng nhận định.
Chính phủ "đặt hàng" TP.HCM
Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ kỳ vọng TP.HCM sẽ đi đầu trong việc thể hiện tinh thần ý chí tự lực tự cường “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”.
Để tháo gỡ vướng mắc về vốn cho hàng loạt dự án trọng điểm của TP.HCM, Thủ tướng cho rằng thành phố nên tích cực hơn nữa trong việc huy động nguồn lực xã hội. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được Quốc hội thông qua, nhiều địa phương đã làm rất tốt.
“Tôi đề nghị mô hình nào tốt, hay thì chúng ta đi học ngay”, Thủ tướng yêu cầu. Theo ông, phải đến xem, chứng kiến tận mắt thì mới có thể nhân rộng và phát triển được.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ phát triển hạ tầng phải dùng PPP. Giải phóng mặt bằng là phải địa phương. Cầu, đường, công trình qua địa phương nào thì địa phương đó phải giải phóng mặt bằng. Còn Nhà nước, Chính phủ sẽ căn cứ vào điều kiện cụ thể hỗ trợ phần xây lắp. Kinh nghiệm này ở một số địa phương đã làm thành công chứ không phải là lần đầu tiên.
"Phải làm thế nào để huy động một đồng của Nhà nước, có thể thêm 8-9 đồng của xã hội”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng nói Chính phủ có cơ chế, chính sách, thể chế, quy hoạch, và công cụ giám sát. Vì thế, TP.HCM phải phát huy tối đa tính chủ động của thành phố. Muốn có đường, có hạ tầng, có dự án đột phá thì phải có trách nhiệm đề xuất và tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Không có chuyện Chính phủ nói có nhưng không làm
Với các vướng mắc về hạ tầng liên quan đến khối lập pháp là Quốc hội, Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ cùng thành phố tìm cách tháo gỡ.
Ông khẳng định quan điểm: “Chính phủ không nói không, Chính phủ không nói khó, Chính phủ cũng không nói có nhưng không làm”.
Theo Thủ tướng, việc nào TP.HCM làm tốt hơn thì Chính phủ sẵn sàng giao cho thành phố. Đó là biểu hiện tốt nhất của tinh thần phân cấp, phân quyền.
Với kinh nghiệm nhiều năm ở địa phương, ông biết một số đề xuất đưa lên Chính phủ và bộ, ngành chỉ để hợp thức hóa, chứng tỏ không cần bàn tay của Trung ương can thiệp. Thậm chí, việc nào doanh nghiệp và người dân làm tốt hơn thì Chính phủ và thành phố cũng nên tạo điều kiện.
Về kinh tế, ông nhấn mạnh thành phố cần đẩy mạnh cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt là phát triển TP Thủ Đức thành cực tăng trưởng, đẩy mạnh nền kinh tế số để đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 25% GDP. Ông bày tỏ tin tưởng TP.HCM sẽ có nhiều đột phá trong năm nay và năm tới.
Trước đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhận định ngân sách Trung ương nên tăng cường thêm cho thành phố để làm nguồn lực đầu tư hiện đại hóa, mở rộng không gian đô thị. Về tỷ lệ điều tiết ngân sách, ông chia sẻ tỷ lệ ngân sách để lại của TP.HCM thấp hơn so với bình quân một triệu dân. Do đó, ông đồng tình nên có chủ trương tăng đầu tư cho TP.HCM.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng TP.HCM cần khai thác thêm các nguồn lực hiện có.
"Nguồn ngân sách rất lớn nhưng hình như còn bỏ sót. Hiện nay một số địa phương có nguồn thu lớn từ phí cảng biển. Ví dụ, Hải Phòng vừa rồi thu hơn 10.000 tỷ đồng. TP.HCM bắt đầu thu từ tháng 7 thì từ chỗ này nên rà soát nguồn thu", ông Thành kiến nghị.