Theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 4.11% (tương đương 1 cổ phiếu được nhận 411 đồng). Với gần 400 triệu cp đang lưu hành, MPC cần chi ra hơn 164 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Ngày đăng ký cuối cùng là 13/12, thời gian trả dự kiến 22/12.
Trong cơ cấu cổ đông của MPC hiện nay, MPM Investments Pte. Ltd (thành lập vào ngày 19/08/2019, trụ sở chính tại Singapore và là công ty con của Mitsui & Co) đang là cổ đông lớn nhất với 140,4 triệu cp đang sở hữu, tương ứng 35,11% vốn, ước tính thu về gần 58 tỷ đồng từ MPC. Ngoài ra, vợ chồng bà Chu Thị Bình, Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc và ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc hiện sở hữu tổng cộng hơn 134,5 triệu cp, tương ứng 33,64% vốn, cũng sẽ thu về hơn 55 tỷ đồng.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của MPC đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ từ 20 – 30% lợi nhuận sau thuế hợp nhất chưa phấn phối tại ngày 31/12/2022, tương đương 411 – 617 đồng/cp (tương ứng 4.11 – 6.17%/mệnh giá). Như vậy, lần trả cổ tức này bằng với mức tối thiểu đã được thông qua.
Nguyên nhân cho việc mức trả cổ tức tiền mặt năm nay của MPC đang thấp hơn những năm trước đó, tác động một phần bởi tình hình kinh doanh khó khăn trong thời gian gần đây.
Kết thúc quý III, MPC lỗ ròng 23,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 329 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ hai của MPC trong năm nay. MPC lý giải, kết quả kinh doanh kém tích cực đến từ doanh thu bán hàng giảm và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm bao gồm Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú Ninh Thuận chưa có hiệu quả.
Lũy kế 9 tháng đầu, MPC đạt doanh thu 7.465,8 tỷ đồng, giảm 46%; lỗ ròng 109,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 571,4 tỷ đồng.
AN NHIÊN