Cụ thể, MSN bổ sung thêm phương án chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức. Số lượng cổ phần chào bán dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán (tương ứng khoảng khoảng 142 triệu cổ phiếu).
Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm gần nhất của Masan (25.733 đồng/cp). Chiếu theo mức giá này, ước tính tập đoàn sẽ thu về khoảng 3.660 tỷ đồng.
Cổ phiếu có thể được chào bán một lần hoặc nhiều lần, thời điểm chào bán dự kiến trong năm 2023 hoặc cho đến trước Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành, cổ phần ưu đãi không được hưởng cổ tức. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi tối đa là 10%/năm. Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức tương đương với mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.
Bên cạnh đó, Masan giữ nguyên kế hoạch chào bán 142 triệu cổ phần phổ thông (10%) theo phương thức phát hành riêng lẻ như đã nêu trong tờ trình ban đầu với mức giá tối thiểu là 25.733 đồng/cp.
Dự kiến số tiền huy dộng từ 2 lần phát hành là 7.300 tỷ đồng nếu cả hai đợt chào bán cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi đều thành công. Vốn điều lệ của MSN sẽ tăng từ 14.237 tỷ lên 17.087 tỷ đồng.
LÊ TRÍ