Tiêu dùng

Tập đoàn Đèo Cả muốn vay 20.000 tỷ đồng vốn tín dụng Nhà nước để đầu tư 300 km cao tốc theo mô hình hợp tác công tư mới (PPP++)

Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Chi nhánh Lâm Đồng ký kết thoả thuận hợp tác về tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP).

hhv-nhpt-1711929927.jpg

Đại diện Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Tập đoàn Đèo Cả ký kết thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng.

Theo đó, hai bên thống nhất hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các Dự án đầu tư hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư.

Cụ thể, các dự án thực hiện thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 7/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Theo thỏa thuận, tổng mức vốn cung ứng dự kiến giai đoạn từ năm 2024 - 2027 khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm, năm 2024: 1.400 tỷ đồng, năm 2025: 3.500 tỷ đồng, năm 2026: 9.600 tỷ đồng, năm 2027: 5.500 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn cần đầu tư thực tế sẽ được Tập đoàn Đèo Cả thông báo cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng sau khi các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

Nói về mô hình hợp tác công tư mới (PPP++), Tập đoàn Đèo Cả cho biết, năm 2024 công ty, dự kiến đầu tư, xây dựng 300km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 82.000 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, Tân Phú - Bảo Lộc, TP.HCM - Chơn Thành, Vành đai 4, TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)…

Được biết, mô hình PPP++ là giải pháp Đèo Cả đưa ra để huy động vốn cho dự án. Thông qua việc đa dạng hoá nguồn vốn huy động để tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Điểm mới của cơ cấu nguồn vốn của các dự án triển khai theo phương thức PPP++ được đa dạng hoá hơn so với mô hình PPP cơ bản. Ngoài vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng, cơ cấu nguồn vốn theo mô hình PPP++ có sự tham gia của nguồn lợi nhuận thi công từ chính dự án, trái phiếu, cổ phiếu, các hợp đồng BCC…

Về phương thức vận hành, trước đây nhà đầu tư đơn thuần là đơn vị góp vốn, nhà thầu đơn thuần là đơn vị thi công thì nay nhà đầu tư đồng thời là nhà thầu và ngược lại nhà thầu cũng sẽ là nhà đầu tư, từ đó cộng lực và chia sẻ lợi ích.

AN NHIÊN