May Diêm Sài Gòn, pháp nhân liên quan đến TNR Holdings của đại gia Trần Anh Tuấn gom 6,3 triệu cổ phiếu MSB của ngân hàng MSB

Admin

Cụ thể, ngày 17/8, CTCP May – Diêm Sài Gòn đã mua 6,3 triệu cổ phiếu MSB, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 36.683.756 cổ phiếu (tỷ lệ 3,12%). Sau giao dịch nhóm liên quan đến May - Diêm Sài Gòn sở hữu đến 8,49% cổ phần của MSB.

Thực tế, hiện có 4 đơn vị có liên quan đến Công ty May – Diêm Sài Gòn đang nắm giữ cổ phiếu MSB là Công ty Cổ phần Sông Hồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Tiến An, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hà Tây và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam. Trong đó, May – Diêm Sài Gòn là cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn của Công ty Cổ phần Sông Hồng, còn 3 đơn vị còn lại là cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn của May – Diêm Sài Gòn.

Như vậy, sau giao dịch, nhóm cổ đông liên quan và CTCP May - Diêm Sài Gòn đã nâng tổng sở hữu tại MSB từ 5,37% lên 8,49% với gần 99,8 triệu cổ phiếu.

Về May – Diêm Sài Gòn, tiền thân là nhà máy Diêm Bến Thủy ở Vinh, 1948 được dời vào Sài Gòn sau đó đổi tên thành hãng Diêm SIFA, hoạt động kinh doanh diêm. Công ty hiện tại đang đóng tại 346 Bến Vân Đồn, Phường 01, Quận 4, Hồ Chí Minh nơi tòa cao ốc The Gold View do TNR phát triển, May – Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư.

The GoldView dự án do May Diêm Sài Gòn làm chủ đầu tư, TNR Holdings làm nhà phát triển dự án đều được xem có liên quan đến ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch MSB.

Trước đó, năm 2011, nhờ vị trí “đất vàng” tại địa điểm nói trên, May Diêm Sài Gòn đã chấm dứt kinh doanh diêm để chuyển sang kinh doanh bất động sản, số vốn điều lệ công ty được tăng từ 16 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng.

Khu đất nói trên được lập Dự án cao ốc đa chức năng Hòa Bình (nay là The GoldView), May Diêm Sài Gòn làm Chủ đầu tư và góp 41% với 2 đối tác là Công ty TNHH Đầu tư – Thương mại – Du lịch Hiệp Phúc (góp 39%) và Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 4 (góp 20%). Năm 2010 May Diêm Sài Gòn đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên 252 tỷ đồng.

Sau đó, trong hai năm 2010 và 2011, cả 2 đối tác trên đã chuyển toàn bộ số cổ phần của mình cho cho Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Tín Phát, một pháp nhân mà ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch của MSB sở hữu 50% cổ phần, đây cũng là một công ty con trong hệ sinh thái TNG của ông.

Trước đó, vào tháng 3.20219, May Diêm Sài Gòn trúng thầu dự án Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới trên 1.713 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 48,1 ha cũng được cho là có liên quan đến các công ty con của ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch MSB.

Về ngân hàng MSB, được thành lập năm 1991. Cổ đông lớn gồm có Vinaline, Gemadept và Công ty Vận tại biển (VOS). Trong giai đoạn Vinaline phải tái cơ cấu thì VID Group nhảy vào Maritime Bank, ông Tuấn giữ chức phó chủ tịch. Tháng 10/2008, ông trở thành Tổng Giám đốc Maritime Bank. Tới đầu năm 2012, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Maritime Bank cho đến nay.

Hệ sinh thái thuộc TNG của đại gia Trần Anh Tuấn, Chủ tịch MSB.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây HĐQT có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.500 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông với tỷ lệ 30%, thực hiện trong quý III/2021.

Trước khi tăng vốn lên 15.275 tỷ đồng, MSB có 1 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn đó là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) với hơn 71,57 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 6,09%.

Trong đó, ngân hàng này đã hé lộ danh sách 7 cổ đông nước ngoài như sau: 6 cổ đông sở hữu trên 4% bao gồm Rosia Holdings Limited (4,94%); Buenavista Holdings Limited (4,9%); Duscal LLC (4,89%); Twingby LLC (4,86%); Dilyan Investments Limited (4,84%) và Nomex Enterprieses Limited (4,75%). Quỹ còn lại là Ntasian Discovery Master Fund nắm 0,77% cổ phần.

Sau khi tăng vốn, các nhà đầu tư ngoại sẽ nắm giữ tổng cộng hơn 458 triệu cổ phiếu MSB; trong khi lượng cổ phần do VNPT sở hữu sẽ tăng lên hơn 93 triệu cổ phiếu.

Như vậy, May Diêm Sài Gòn, pháp nhân mới nhất mua cổ phiếu của MSB không phải là cái tên xa lạ mà liên quan mật thiết đến hệ sinh thái của ông Trần Anh Tuấn, người thường được truyền thông lẫn giới kinh doanh gọi với cái tên “Tuấn chợ”.

MINH TRÍ