Tiêu dùng

Sau khi thâu tóm xong bao bì Tín Thành, bao bì Biên Hòa, Tập đoàn SCG tiếp tục thâu tóm nhựa Duy Tân

Ngày 9/2/2021, SCG Packaging (SCGP) gửi văn bản đến Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) thông báo việc ký thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân. Giao dịch được thực hiện thông qua công ty con của SCGP và các chi tiết cụ thể sẽ được công bố giữa năm 2021.

Trước đó, vào năm 2009 SCGP thành lập Vina Kraft Paper tại Bình Dương ở Việt Nam để sản xuất giấy bao bì, với tổng công suất 500.000 tấn mỗi năm. Năm 2015, tập đoàn này đầu tư vào Công ty Bao bì Tín Thành (BATICO). Mới đây, SCG cũng mua lại hơn 94% cổ phần của Công ty Bao bì Biên Hòa (SOVI).

SCG Packaging (SCGP) gửi văn bản đến Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) thông báo việc ký thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân.

Được biết, khoản đầu tư vào nhựa Duy Tân nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (tương đương 334 triệu USD), nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam, thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa.

Trong bản công bố thông tin của SCGP cho biết: "Khoản đầu tư vào Duy Tân mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng của SCGP trên toàn ASEAN, đồng thời củng cố năng lực của công ty trong việc phục vụ các nhà sản xuất FMCG và người tiêu dùng tại Việt Nam”.

Về nhựa Duy Tân, được đánh giá là một trong những công ty nhựa hàng đầu tại thị trường Việt Nam với bề dày kinh nghiệm hơn 33 năm trong lãnh vực sản xuất bao bì mỹ phẩm, bao bì thực phẩm, nhựa gia dụng. Biên lãi doanh thu tăng trưởng đều đặn hàng năm với tốc độ 18%. Tương ứng lợi nhuận gộp cũng tăng trưởng, mức biên bình quân đạt khoảng 20%.

Năm 2020, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng (tương đương 6,1 tỷ baht), với tổng tài sản đến cuối năm đạt 5.000 tỷ đồng (6,5 tỷ baht). Công suất hàng năm của doanh nghiệp này là 116.000 tấn bao bì nhựa cứng và các sản phẩm nhựa gia dụng.

Về phía SCG, đây không còn là cái tên xa lạ trên thương trường Việt với cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ được thực hiện trong gần thập kỷ qua như mua lại công ty gạch Prime Group, Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh hay Tổ hợp hóa dầu Long Sơn...

Thương vụ gây nhiều chú ý của tập đoàn này là vào tháng 6/2018, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn), tăng vốn sở hữu từ 71% lên 100%.

Kết quả kinh doanh của SCG tại Việt Nam vào năm 2020 ghi nhận doanh thu 26.574 tỷ đồng (1.144 triệu USD), giảm 10% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm tại mảng ngành kinh doanh Xi măng- VLXD và xuất khẩu từ Thái Lan.

Tính đến ngày 31/12/2020, SCG Việt Nam sở hữu khối tài sản trị giá 111.044 tỷ đồng (4.806 triệu USD), tăng 50% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ ngành hoá dầu.

AN NHIÊN