Theo đó, về kết quả kinh doanh, tính riêng quý II, Sacombank ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng 13%, lên mức 2.177 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế đạt 4.288 tỷ đồng, tăng 12,1% so với số lãi 3.825 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.
Lợi nhuận tăng trưởng của Sacombank nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là việc ngân hàng giảm hơn một nửa giá trị trích lập dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh.
Cụ thể, tổng cho vay khách hàng đến cuối quý II đạt 516.634 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm đầu năm. Phân tích chất lượng nợ cho vay ghi nhận tổng nợ xấu nhóm 3, 4, 5 tăng mạnh 14,2% so với đầu ký, lên 12.547 tỷ đồng.
Trong số đó, nợ nhóm 5 (nhóm có khả năng mất vốn) tăng đột biến 71,6%, lên trên 8.409 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm được 47% xuống còn 2.424 tỷ đồng; còn nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 15% lên 1.714 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,27% hồi đầu năm lên 2,42%.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt nợ xấu nhóm 5 – nhóm có khả năng mất vốn – tăng 71%, song Sacombank lại có động thái lạ khi giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng xuống hơn 50%, còn 1.142 tỷ đồng. Việc giảm trích lập dự phòng cũng là một “trợ lực” cho số lãi tăng mạnh của ngân hàng.
Sacombank hiện có hơn 86.100 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, trong đó có hơn 26.000 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán và hơn 60.000 tỷ đồng chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Trong số 60.000 tỷ đồng chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, có hơn 52.100 tỷ đồng chứng khoán Chính phủ, 7.300 tỷ đồng là chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng trong nước phát hành, còn lại gần 15.200 tỷ đồng là chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành.
THỊNH HUY