Tiêu dùng

Ông Dương Công Minh giải đáp về tin đồn M&A của Sacombank

Sau khi Sacombank trở về “trạng thái bình thường” vào năm 2022, ngân hàng mới có thể tính chuyện bán đấu giá 32,5% cổ phần hiện thuộc sở hữu của VAMC và chia cổ tức.

Chủ tịch Dương Công Minh phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Sacombank. Ảnh: DNCC.

Sẽ M&A hậu tái cấu trúc

Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 23-4, cổ đông Sacombank ngay từ đầu phiên thảo luận đã đặt nhiều câu hỏi về những tin đồn mua bán sáp nhập với Sacombank trong thời gian qua. Theo đó, một cổ đông đặt câu hỏi liên quan về việc bán cổ phần cho hai đối tác nước ngoài trong thời gian tới và lộ trình xử lý khoản nợ xấu 32,5% cổ phần Sacombank (có nguồn gốc từ những khoản nợ của ông Trầm Bê chưa xử lý xong).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sacombank cho biết, ngân hàng đang xin cơ chế để mua lại khoản nợ xấu tương ứng 32,5% số cổ phần đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trả lại trái phiếu đặc biệt rồi bán đấu giá số cổ phần này.

Tuy nhiên, việc bán vốn chỉ được thực hiện sau khi ngân hàng hoàn thành đề án tái cơ cấu đến năm 2022. Bên cạnh đó, cơ chế này cần phải được sự đồng ý của Chính phủ và đơn vị hiện quản lý khoản nợ xấu là VAMC.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, tại đại hội cho biết dự kiến cuối năm 2021 đơn vị này sẽ xin phép Chính phủ bán số cổ phần nói trên và có thể đến năm 2022 sẽ có kết quả.

“Nếu đấu giá thành công số cổ phần này, ngân hàng sẽ có thêm nhà đầu tư với "tiền tươi, thóc thật" cùng tham gia và hoạt động kinh doanh của Sacombank sẽ càng tích cực hơn. Sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện, sẽ chăm lo cho Sacombank tương tự như ông Minh đang chăm lo cho Sacombank hiện nay”, ông Đông nhận định.

Bên cạnh đó, một câu hỏi khó mà cổ đông đặt ra với ông Dương Công Minh là mối quan hệ giữa Sacombank và Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), là ngân hàng mà ông Minh từng là người sáng lập, giữ ghế Chủ tịch HĐQT.

Trả lời câu hỏi này, ông Minh đã ví von rằng: "LienVietPostBank là con đẻ, tôi đã cho đi lấy chồng. Còn Sacombank là con dâu mới lấy về, tôi quý hơn. Hiện tại Sacombank và LienVietPostBank là hai ngân hàng hoàn toàn độc lập, không có liên hệ với nhau. Nói về yêu thì tôi yêu cả 2 nhưng công việc của tôi là tập trung cho Sacombank".

Chốt phiên giao dịch ngày 23-4, cả thị giá cổ phiếu STB và LPB của hai ngân hàng trên đều tăng trần. Thị giá STB ở mức 22.450 đồng/cổ phiếu, tăng gần 33% kể từ hồi đầu năm. Còn thị giá LPB ở mức 20.100 đồng/cổ phiếu, tăng đến hơn 62% kể từ hồi đầu năm.

Thanh khoản giao dịch cổ phiếu STB tăng kỷ lục trong bối cảnh trên thị trường gần đây có thông tin cổ phiếu Sacombank đang được thu gom bởi một số nhóm nhà đầu tư, bắt đầu rộ lên từ trước Tết âm lịch.

Thị giá cổ phiếu tăng trong bối cảnh thanh khoản giao dịch STB của Sacombank cũng có những dấu mốc kỷ lục. Chẳng hạn như phiên giao dịch ngày 30-3 ghi nhận hơn 99,98 triệu cổ phiếu khớp lệnh, lập kỷ lục về khối lượng giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng Sacombank kể từ khi niêm yết.

Vẫn chưa thể chia cổ tức

Trước thềm đại hội cổ đông, HĐQT Sacombank công bố muốn dùng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức, đồng thời tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông vấn đề chia cổ tức lại tiếp tục gác lại. Theo đó, ông Minh cũng “hẹn” cổ đông sẽ chia cổ tức sau khi tái cấu trúc thành công.

"Hội đồng quản trị cố gắng tái cơ cấu thành công trong 5 năm, hy vọng trong năm 2022, Sacombank trở về trạng thái bình thường sẽ được quyền xin Ngân hàng Nhà nước chia cổ tức. Dự kiến đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023 có thể chia cổ tức", ông Dương Công Minh nói.

Đề án tái cấu trúc Sacombank bắt đầu vào năm 2017, cũng là khi ông Minh bước chân vào ngân hàng. “Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức hay cổ đông chiến lược", ông Dương Công Minh giải thích thêm.

Liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh quí 1, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tính đến hết quí 1, lợi nhuận của Sacombank đã đạt 25% kế hoạch, tương đương 1.000 tỉ đồng; trong khi cho vay chạm "room" tín dụng đạt 5,8%, thu dịch vụ trên 1.200 tỉ đồng, xử lý nợ xấu trong 4 tháng đầu năm ước đạt 2.280 tỉ đồng.

Theo báo cáo mới nhất, kết quả xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng đang có tín hiệu tích cực dù dịch bệnh Covid-19 trong năm ngoái ảnh hưởng lớn đến việc xử lý tài sản.

Cụ thể, trong năm 2020, doanh số thu hồi và xử lý nợ đạt 15.200 tỉ đồng, trong đó đã thu hồi 8.200 tỉ đồng các khoản thuộc đề án, nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai đề án lên 46.547 tỉ đồng, đạt 54,2% kế hoạch tổng thể đề án đến 2025, vượt 4,2% tiến độ.

Doanh số thu hồi và xử lý nợ trong năm hơn 15.200 tỉ đồng, trong đó đã thu hồi 8.200 tỉ đồng các khoản thuộc đề án, nâng mức thu hồi lũy kế từ khi triển khai đề án lên 46.547 tỉ đồng, đạt 54,2% kế hoạch tổng thể đề án đến 2025, vượt 4,2% tiến độ. Tài sản tồn đọng thuộc đề án giảm 48,2% so với cuối năm 2016, chiếm 9,8% tài sản, góp phần tăng tỷ trọng tài sản sinh lời từ 67,9% lên 85,2%.

Dũng Nguyễn