Tiêu dùng

Nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai giảm 9.393 tỉ đồng khi không hợp nhất với HAGL Agrico

Tổng nợ vay của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là 8.710 tỉ đồng tính tới ngày 31-3-2021, giảm 9.393 tỉ đồng so với đầu năm – thời điểm còn hợp nhất kết quả kinh doanh với Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Doanh thu từ việc bán mủ cao su không được ghi nhận trong báo cáo tài chính quí 1-2021 của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: DNCC.

Báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2021 của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho thấy mảng trái cây – mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của HAGL - chỉ mang về khoản doanh thu là 115 tỉ đồng trong quý 1-2021, giảm gần 580 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Hai mảng bán sản phẩm, hàng hoá và cung cấp dịch vụ khách ghi nhận doanh thu ở mức 34,5 tỉ đồng và 46,5 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, mảng cao su không phát sinh doanh thu trong quý 1-2021, trong khi cùng kỳ năm trước mang về khoản doanh thu là 67,9 tỉ đồng. Còn mảng chăn nuôi heo mang về khoản doanh thu gần 70 tỉ đồng.

Kết quả, doanh thu thuần của HAGL chỉ đạt mức 265,8 tỉ đồng trong quý 1-2021, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức doanh thu thấp nhất của HAGL từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM (HOSE) vào cuối năm 2008.

Lý giải nguyên nhân, đại diện HAGL cho biết doanh nghiệp không còn hợp nhất doanh thu từ HAGL Agrico - sau khi doanh nghiệp này chuyển từ công ty con thành công ty liên kết – khiến doanh thu từ trái cây và bán mủ cao su giảm sút.

Với hoạt động tài chính, HAGL ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính ở mức 349,3 tỉ đồng trong quí 1-2021, cao hơn 192 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020 nhờ khoản lãi phát sinh từ việc thanh lý khoản đầu tư vào HAGL Agrico.

Còn chi phí tài chính của HAGL của doanh nghiệp chỉ ở mức 214,7 tỉ đồng, giảm 98 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020 nhờ sự sụt giảm của hai khoản chi phí, gồm: chi phí lãi vay tới 67 tỉ đồng do dư nợ vay giảm; lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái giảm 41 tỉ đồng.

Với các khoản chi phí, chi phí quản lý doanh nghiệp của HAGL đạt mức 367 tỉ đồng, 265 tỉ đồng do với cùng kỳ do thực hiện trích lập dự phòng theo nguyên tắc thận trọng liên quan đến việc suy giảm lợi thế thương mại của Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai.

Bên cạnh đó, HAGL cũng ghi nhận khoản lỗ khác ở mức 52,3 tỉ đồng do đánh giá lại một số tài sản không hiệu quả.

Kết quả, tổng lỗ kế toán trước thuế của HAGL ở mức 248,1 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ là 68,2 tỉ đồng. Nhưng nhờ ghi nhận khoản thu nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại ở mức 179 tỉ đồng nên lợi nhuận sau thuế của HAGL chỉ âm 68,7 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 58,4 tỉ đồng.

Việc liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ khiến lỗ luỹ kế của HAGL đạt mức 7.474 tỉ đồng tính tới 31-3-2021.

Về nguồn vốn, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp là 18.416,1 tỉ đồng tính tới cuối quý 1-2021 - giảm 18.850,4 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, tương ứng mức giảm hơn 50% - trong bối cảnh tổng nguồn vốn của công ty mẹ không thay đổi.

Đáng chú ý, nợ phải của HAGL chỉ còn 13.672,4 tỉ đồng - giảm 13.475,6 tỉ đồng so với đầu năm, tương ứng mức giảm 49,4%. Còn hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 2,88 ở thời điểm 31-3, thấp hơn mức 3,71 ở thời điểm đầu năm.

Tổng nợ vay của doanh nghiệp là 8.710 tỉ đồng tính tới 31-3-2021, giảm 9.393 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ vay trái phiếu dài hạn chiếm tỷ trọng 82,7%, tương ứng 7.210 tỉ đồng. Còn lại là các khoản nợ vay từ ngân hàng và các tổ chức, cá nhân khác.

Về tài sản, tiền của doanh nghiệp ở mức 272,5 tỉ đồng, cao hơn 2,8 lần so với thời điểm đầu năm nhờ lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 175,4 tỉ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn của HAGL chỉ còn 3.691 tỉ đồng tính tới 31-3-2021, giảm 42% so với đầu năm sau khi đã trích lập dự phòng 2.506 tỉ đồng.

Còn khoản phải thu dài hạn ở mức 4.657 tỉ đồng, cao hơn hai lần so với thời điểm đầu năm do tăng giá trị phải thu về cho vay dài hạn. Trong đó khoản phải thu từ cho vay dài hạn liên quan tới nhóm HAGL Agrico có giá trị 1.460 tỉ đồng.

Với HAGL Agrico, doanh nghiệp này hiện có một khoản vay dài hạn với giá trị 1.336,6 tỉ đồng và khoản lãi vay trị giá 21,9 tỉ đồng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Lê Me, Công ty cổ phần gỗ Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH công nghiệp và nông nghiệp Hoàng Anh – Quang Minh, ông Nguyễn Ngọc Mai và ông Lê Văn Thạch là những cá nhân, đơn vị tiếp tục xuất hiện trong danh sách nhận vay từ HAGL.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp, đây là các khoản cho vay tín chấp với thời hạn hoàn trả tư tháng 4-2021 tới tháng 12-2022.

Vân Phong