Tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm, tăng vốn cho nhóm Big4

Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách Nhà nước; Đồng thời ban hành Thông tư hướng dẫn các NHTM trên cơ sở Nghị định được ban hành.

NHNN sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó sẽ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

10 nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất

Cụ thể, NHNN sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước. Sau đó, sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các NHTM thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất.

Gói hỗ trợ lãi suất là một trong những chính sách được các doanh nghiệp và người dân mong đợi trong năm nay để có thể giảm chi phí, tạo động lực phục hồi và phát triển hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thời điểm ban hành vẫn chưa được xác định rõ.

Theo dự thảo thông tư được NHNN lấy ý kiến mới đây, sẽ có 10 nhóm ngành nằm trong diện được hưởng hỗ trợ lãi suất gồm hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin.

Nguồn tín dụng sẽ được hướng vào sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cùng với đó, NHNN sẽ điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn ngành cũng sẽ nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, miễn giảm phí dịch vụ cho khách hàng.

Tăng vốn cho nhóm Big4

Một trong những nhiệm vụ đáng lưu ý khác là việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Agribank.

Nguồn lực để thực hiện tăng vốn được lấy từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các NHTMCPNN và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã lần lượt được tăng vốn bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tuy nhiên theo đánh giá của chính các ngân hàng và giới chuyên gia trước áp lực về đáp ứng hệ số CAR và tăng trưởng tín dụng, việc tăng vốn vẫn là rất cần thiết.

Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hoá Agribank vẫn chưa được thực hiện dứt điểm khi gặp khó tại khâu đánh giá tài sản.

Giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém

Vấn đề xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động của các ngân hàng cũng được NHNN chú trọng.

Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%). Đây cũng là năm Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Rủi ro về nợ xấu cũng từng được Phó Thống đốc NHNN và nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, NHNN cần tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém, có nhiều vấn đề tồn tại trong hoạt động, trường hợp có diễn biến xấu, có nguy cơ đổ vỡ. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng yếu kém thực hiện cơ cấu lại theo các giải pháp nêu tại đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

NHNN dự kiến sẽ triển khai chính sách hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cải cách thể chế, hành chính, môi trường đầu tư; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công...

Kim Điền